Châu Âu sẽ cấm hoàn toàn dầu mỏ Nga

Lê Thị Xuân Phương 16:11 | 04/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban châu Âu hôm nay (4/5) đã đưa đề xuất về gói trừng phạt thứ 6 đối với Điện Kremlin, bao gồm việc cắt bỏ hoàn toàn dầu thô nhập khẩu từ Nga trong 6 tháng.

Dự thảo về đợt trừng phạt thứ sáu với Nga đang được đại sứ các nước thành viên tại EU thảo luận và có thể được thông qua vào cuối tuần này, tờ CNBC cho hay. 

Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã thúc đẩy EU đến quyết định thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Moscow, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có thể làm giảm hoặc cắt hoàn toàn nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho EU. Vì thế, đây là một nhiệm vụ phức tạp đối với châu Âu. 

Khu vực này phụ thuộc đáng kể vào Nga về nguồn cung năng lượng, bao gồm cả dầu mỏ. Vào năm 2020, nhập khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 25% lượng dầu thô mua vào của cả khối.

Trước đó, hồi tháng 4, gói trừng phạt thứ 5 của châu Âu nhằm vào Nga đã thông qua việc cấm nhập khẩu than đá của Moscow. Giờ đây, Brussels tiếp tục xem xét khả năng cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng rời bỏ nguồn cung dầu Nga là điều không dễ dàng. “Một số quốc gia thành viên EU phụ thuộc đáng kể vào dầu mỏ của Nga. Nhưng chúng tôi nhận thấy lệnh cấm vận là cần thiết. Chúng tôi đề xuất ngừng nhập khẩu hoàn toàn đối với tất cả dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển và đường ống, bao gồm cả dầu thô và tinh chế của Nga ”, bà Ursula von der Leyen nói. 

Sự phụ thuộc đáng kể của nhiều nước châu Âu vào dầu thô của Nga đã khiến lệnh cấm vận dầu của Nga trở thành chủ đề gây tranh cãi lớn trong khối khi các Chính phủ quan ngại hệ lụy từ lệnh cấm có thể tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế châu Âu và thế giới.

Tuy nhiên mới đây, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng nước này có thể xoay sở được các nguồn cung thay thế khác. Ở chiều ngược lại, hai quốc gia EU khác là Slovakia và Hungary đều lên tiếng phản đối lệnh cấm vận.