'Khóa van' khí đốt với Ba Lan và Bulgaria: động thái có toan tính của Nga và viễn cảnh tệ cho châu Âu
Châu Âu là thị trường xuất khẩu khí đốt quan trọng của Nga. Năm 2021, khu vực này tiêu thụ khoảng 40% lượng khí đốt Nga xuất khẩu ra toàn cầu. Tuy nhiên, khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ, châu Âu đang liên tiếp đưa ra các đợt trừng phạt và tìm cách cô lập Nga.
Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố mọi hợp đồng mua bán dầu mỏ và khí đốt của nước này với "các quốc gia không thân thiện" đều phải được thanh toán bằng đồng ruble. Trong trường hợp các nước châu Âu không chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble, Moskva từng cảnh báo về nguy cơ cắt nguồn cung khí đốt đến các nước này.
Mới đây, hôm 27/4, tập đoàn năng lượng Gazprom - công ty độc quyền về dầu mỏ của Nga - đã hiện thực hóa lời cảnh báo này bằng thông báo cắt toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do hai nước này từ chối thanh toán hợp đồng mua năng lượng bằng đồng ruble.
Điện Kremlin tuyên bố cả hai quốc gia Ba Lan và Bulgaria sẽ không thể nhận được khí đốt của Nga cung cấp qua đường ống Yamal từ Siberia.
Không ngoài dự đoán, tuyên bố đã hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ từ phương Tây. “Hợp đồng được thực hiện giữa hai bên và thường được thanh toán bằng USD hoặc euro. Vì vậy, nếu một bên đơn phương thay đổi điều khoản, điều đó có nghĩa là chẳng còn hợp đồng ràng buộc nữa”, ông Tim Harcourt, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Chính sách Công và Quản trị tại Đại học Công nghệ Sydney nói.
Quan trọng hơn, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan có thể đưa nền kinh tế châu Âu đối diện những thách thức lớn.
Bulgaria và Ba Lan trước thách thức lớn
Các nhà phân tích nhận định việc Ba Lan và Bulgaria là mục tiêu đầu tiên mà Nga cắt nguồn cung khí đốt là điều nằm trong suy tính kỹ lưỡng của Moskva.
Nga hiện cung cấp khoảng 55% nhu cầu khí đốt (khoảng 21 tỷ mét khối) hàng năm cho Ba Lan. Con số này không quá cao so với các quốc gia châu Âu khác, nhưng Ba Lan lại nằm trong số các quốc gia ủng hộ Ukraine về mặt chính trị và quân sự nhiều nhất.
Về phía Bulgaria, quốc gia này dù không có sức ảnh hưởng quá nhiều đến diễn biến chiến sự ở Ukraine nhưng lại phụ thuộc đáng kể vào khí đốt của Nga. Bulgaria tiêu thụ khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, 90% trong đó được nhập khẩu từ Nga.
Theo các nhà phân tích, việc nhắm mục tiêu vào hai quốc gia này là một "bài test" của Tổng thống Putin về sức mạnh “vũ khí năng lượng” Nga đối với hai loại đối thủ khác nhau. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt 24% ngay sau khi Gazprom tuyên bố khóa van khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria, ngay cả khi thời tiết ở châu Âu có vẻ đã ấm hơn.
Ở một động thái trấn an thị trường Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định Ba Lan và Bulgaria cũng như châu Âu đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cũng như có kế hoạch phản ứng với lệnh ngừng cung cấp khí đốt của Nga. Theo đó, Ba Lan và Bulgaria sẽ nhận khí đốt từ châu Âu.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định rằng việc Nga cắt khí đốt "sẽ không ảnh hưởng đến các hộ gia đình, không ảnh hưởng đến Ba Lan". Một thập kỷ qua, Ba Lan đã nỗ lực để đa dạng hóa các nguồn năng lượng, thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Hợp đồng của Ba Lan với Gazprom của Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay, điều này càng thúc đẩy Ba Lan tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Tuy nhiên, việc Ba Lan liệu có xoay sở thành công khi bị cắt nguồn cung khí đốt hay không phụ thuộc rất lớn vào việc các dự án cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khí có hoàn thành kịp thời và các nước láng giềng của Ba Lan có đủ nguồn cung để lấp đầy khoảng trống mà Nga để lại hay không.
Ba Lan hiện tiêu thụ khoảng 20 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, bao gồm 8,5 đến 10 tỷ mét khối lấy từ đường ống Yamal từ Nga, đã bị đóng cửa ngày 27/4. Phần năng lượng còn lại đến từ 6,5 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển đến trạm nhập khẩu tại thành phố Swinoujscie, khoảng 3,8 tỷ mét khối khí đốt được sản xuất trong nước...
Theo giới chuyên gia, Ba Lan có thể bù đắp nguồn thiếu hụt sắp tới thông qua một đường ống Baltic từ Na Uy, tuy nhiên, đường ống có công suất hàng năm đầy đủ là 10 tỷ mét khối này sẽ không hoạt động cho tới năm 2023. Một giải pháp khả dĩ hơn, Ba Lan có thể tìm kiếm nguồn cung từ các tuyến đường ống dẫn khí đốt nhỏ hơn thông với các đồng minh Trung Âu, bao gồm Litva, Slovakia và Cộng hòa Czech. Ngoài ra, Warsaw cũng có thể nhận khí đốt từ Berlin.
Về phía Bulgaria, tình hình có phần ảm đạm hơn, mặc dù tuyến đường ống dẫn khí thứ hai giữa Bulgaria và Hy Lạp dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay.
Cất chấp những thách thức, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định: "Chúng tôi sẽ bảo đảm hạn chế tối thiểu tác động từ quyết định của Gazprom đến người tiêu dùng châu Âu. Nga đã thất bại trong nỗ lực gây chia rẽ các nước thành viên EU. Kỷ nguyên năng lượng hóa thạch của Nga tại châu Âu sắp chấm dứt".
Bà von der Leyen đồng thời cảnh báo các nhà nhập khẩu năng lượng tại châu Âu rằng việc đáp ứng yêu cầu thanh toán khí đốt bằng ruble của Nga là hành động vi phạm lệnh trừng phạt đang được khối này áp dụng, trừ khi điều khoản này có trong hợp đồng mua bán từ trước.
Trong một diễn biến khác, ngoại trưởng Hungary gần đây xác nhận quốc gia này sẽ thanh toán dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble theo kế hoạch Moskva đưa ra. 85% nguồn cung cấp khí đốt và 65% nguồn cung cấp dầu của Hungary đến từ Nga. Theo Bloomberg, ít nhất bốn công ty tư nhân Hungary đã đồng ý với yêu cầu của Điện Kremlin.
Thị trường châu Âu phản ứng, đồng euro trượt giá mạnh mẽ
Các nhà kinh tế cho biết việc Nga ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria sẽ không đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái ngay lập tức, nhưng có thể khiến khối này phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng nếu việc Nga cắt nguồn cung khí đốt lan sang các nước khác như Đức, Italia - những nền kinh tế lớn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga.
Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại UBS cho biết châu Âu “vẫn có nhiều dư địa chính sách tài khóa và ngoại giao” để phản ứng lại động thái của Nga. Nhưng 'bóng ma' về một cuộc chiến tranh năng lượng - bao gồm cả lệnh cấm vận tiềm tàng của châu Âu đối với khí đốt và dầu mỏ của Nga - đang xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu nói chung và châu Âu nói riêng dễ bị tổn thương.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuần trước đã cắt giảm dự báo năm 2022 đối với các quốc gia sử dụng đồng euro xuống 2,8%, từ mức ước tính 3,9% vào tháng 1. Các nhà phân tích cho biết, các công ty châu Âu đang phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn đáng kể, điều này trực tiếp đe dọa tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp và sức mua của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát dịch COVID-19 tại Trung Quốc dấy lên nhiều quan ngại về an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế, các nhà đầu tư đang có xu hướng bỏ qua đồng euro và chuyển sang mua đồng USD an toàn hơn. Điều này khiến đồng euro mất giá hơn 4% trong tháng 4. Sau lệnh ngừng cung cấp khí đốt từ Nga đến 2 nước châu Âu, tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã lần đầu tiên trong 5 năm giảm xuống dưới 1 USD đổi 1,06 USD.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số STOXX 600 của châu Âu có thời điểm trong phiên 27/4 tụt xuống 436,91 điểm trước khi chốt phiên 28/4 ở 446,56 điểm. Tính trong 5 ngày gần nhất, STOXX 600 đã giảm 2,6%.
Trong khi đó, tính đến hết phiên 28/4 (theo giờ Việt Nam), tỷ giá đồng ruble đã tăng 1,1% lên mức 72,33 ruble đổi được 1 euro. So với đồng USD, tỷ giá đồng ruble hiện ở mức 71 ruble đổi được 1 USD.
Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bàn bạc việc cấm vận dầu và khí đốt Nga. Song trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng điều này rất khó thực hiện ngay vì sẽ cần một khoảng thời gian để các nền kinh tế lớn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga, chẳng hạn Đức và Ý, có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế khác. Một lệnh cấm dầu thô và khí đốt Nga có thể đẩy kinh tế các nước này rơi vào khủng hoảng trầm trọng.
Trung bình mỗi ngày, châu Âu trả 200-800 triệu euro tiền khí đốt cho Nga. Theo công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy, khoảng 60% lượng khí đốt mà châu Âu nhập khẩu hiện được thanh toán bằng đồng euro. Phần còn lại bằng USD.
Việc chuyển sang thanh toán các hóa đơn bán dầu mỏ và khí đốt bằng đồng ruble sẽ có lợi cho nền kinh tế Nga cũng như củng cố sức mạnh đồng tiền này.