Tại sao thị trường mới nổi luôn là điểm sáng hút vốn của các nhà đầu tư?
Theo báo cáo ngày 1/12 của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), khoảng 39,8 tỷ USD được đầu tư theo dạng góp cổ phần vào các công ty ở thị trường mới nổi và một phần lớn đầu tư vào bất động sản.
Theo IIF, số liệu đầu tư tháng 11/2020 đã góp phần vào tổng số 166,5 tỷ USD dòng vốn đầu tư ròng trên thị trường năm nay.
Báo cáo khảo sát tháng 10 của BoA ML cho thấy các nhà quản lý quỹ đang khá lạc quan khi 60% cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn đầu của Chu kỳ tăng trưởng (tăng mạnh so với mức 49% tháng 9), tỷ lệ phân bổ tài sản cho cổ phiếu tăng lên và hiện đã về mức trước Covid-19. Rủi ro lớn nhất được đánh giá là đại dịch (kỳ vọng vacxin sẽ có từ tháng 2/2021 thay vì tháng 1/2021 trong đợt khảo sát tháng 9); và rủi ro lớn thứ 2 là bầu cử Mỹ.
Trong tháng 10, dòng tiền đầu tư toàn cầu tiếp tục rút khỏi thị trường tiền tệ (-37,7 tỷ USD) và vẫn đổ mạnh vào quỹ trái phiếu (+64,6 tỷ USD). Chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến các quỹ trái phiếu ở tất cả các thị trường đều ghi nhận dòng vốn vào (nhiều nhất là các quỹ trái phiếu Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), Nhà đầu tư hiện nay tỏ ra thận trọng hơn khi chuyển sang đầu tư các trái phiếu có độ rủi ro thấp hơn, thay vì đầu tư vào các trái phiếu có đổ rủi ro cao (lợi tức cao) như trước đây.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia là các thị trường Châu Á có vốn vào cổ phiếu trong tháng 10. Thị trường Trung Quốc vẫn hút vốn mạnh nhất, tổng cộng 4,58 tỷ USD trong tháng 10 với dòng vốn vào cả các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Với 3 thị trường còn lại, dòng vốn vào tập trung phần lớn ở các quỹ ETF. Ngoại trừ Malaysia, các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam) đều bị rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động.
Nhà kinh tế của IIF Jonathan Fortun nhận định rằng chính những thông tin tích cực về vắc-xin ngừa COVID-19 và thông tin liên quan đến sự chuyển giao quyền lực hậu bầu cử tại Mỹ đã giúp cho các dòng vốn lưu thông.
Tuy nhiên ông cũng cho rằng dòng vốn đến các thị trường mới nổi sẽ có nhiều khác biệt bởi một số thị trường vẫn tụt hậu, không nắm bắt được những lợi ích đang có hiện nay còn một số thị trường khác lại hưởng lợi từ tính thanh khoản cao.
Trung Quốc luôn là điểm sáng cho các nhà đầu tư nước ngoài, khi mà dự báo về kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020. Các nhà phân tích chỉ ra rằng, dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, nhưng Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng tốt trong mọi lĩnh vực công nghiệp, hàng tiêu dùng, bán lẻ.
Trung Quốc, quốc gia ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới, nhưng lại là một trong số ít các nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020, dù ở tốc độ tăng chậm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2020, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng 6,1% năm trước đó.
Khánh Trang