Tạm dừng miễn thị thực đơn phương với 8 nước châu Âu từ 12/3

16:16 | 11/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Nghị quyết về việc điều chỉnh tạm thời chính sách miễn thị thực đối với người nước ngoài đến từ các quốc gia có dịch COVID-19.

Theo đó, từ 00 giờ 00 phút ngày 12/3, Việt Nam sẽ tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân 8 nước thuộc châu Âu là: Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha. Như vậy, kể từ ngày 12/3, các công dân nước này muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải có visa do các đại sứ quán và lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài cấp.

Việt Nam đã thông báo quyết định này cho các quốc gia nói trên và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức và đối tác quốc tế trong việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, đối với Hàn Quốc, Việt Nam đã tạm ngưng chế độ miễn visa từ 0h00 ngày 29/2, áp dụng cách ly y tế tất cả những người bay từ Hàn Quốc về, hoặc ở Hàn Quốc trong vòng 14 ngày và bay từ nơi khác về Việt Nam. Ngày 3/3, Chính phủ quyết định tạm dừng chính sách miễn thị thực đơn phương đối với công dân Italy nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19. Ngày 6/3, Thủ tướng đồng ý tạm dừng chính sách miễn thị thực với người gốc Việt và thân nhân của họ đang cư trú ở Hàn Quốc và Italy. Từ 6h00 sáng 7/3, tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc.

Tính đến sáng 11/3, thế giới ghi nhận 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Hiện số ca mắc mới tại châu Âu đang tăng nhanh, trong đó, Italy hiện là quốc gia hiện có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

Tạm dừng miễn thị thực đơn phương với 8 nước châu Âu từ 12/3 - ảnh 1
 Tạm dừng miễn thị thực đơn phương với 8 nước châu Âu từ 12/3.
Bên cạnh đó,  tại cuộc họp sáng 11/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (virus SARS-CoV-2, dịch bệnh COVID-19) thống nhất phải kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo đó, tất cả các trường hợp người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả người Việt Nam và người nước ngoài) đều phải khai báo y tế bắt buộc. Nếu khai báo gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đối với người ngước ngoài, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam vừa phải tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế, vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài vào Việt Nam mà khai báo y tế bắt buộc không đúng, theo quy định của Việt Nam về kiểm soát dịch bệnh thì sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí trường hợp gây hậu quả lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về giao thông, để ngăn chặn dịch bệnh từ đường hàng không, Ban chỉ đạo thống nhất đối với các hãng hàng không của Việt Nam quy định bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang từ khi ngồi trên máy bay cho đến khi đã vào Việt Nam và làm thủ tục nhập cảnh phải đeo khẩu trang. Còn đối với các hãng hàng không nước ngoài thì chúng ta phải có khuyến nghị mạnh mẽ. Khi hành khách đã vào cảng hàng không làm thủ tục nhập cảnh thì bắt buộc phải đeo khẩu trang. Các cảng hàng không sẽ phát khẩu trang miễn phí cho hành khách.
Ban chỉ đạo cũng đề xuất các giải pháp quản lý chặt chẽ khách quá cảnh (transit) tại Việt Nam, yêu cầu các cảng hàng không quốc tế bố trí khu riêng phục vụ cho khách quá cảnh (nghỉ ngơi, mua sắm đồ lưu niệm). Trong thời gian chờ bay, hành khách nếu thuộc diện nghi ngờ, tuổi cao có bệnh nền, người có triệu chứng dịch tễ,… thì tuyệt đối không được nhập cảnh. Các trường hợp còn lại muốn nhập cảnh thì phải khai báo y tế bắt buộc… Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải khuyến nghị lái xe các phương tiện giao thông công cộng (đặc biệt là lái xe taxi) phải đeo khẩu trang, yêu cầu hành khách phải đeo khẩu trang.