Tăng cường xe bán hàng lưu động tại TP.HCM, Hà Nội
Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Số ổ dịch, ca mắc mới trong cộng đồng tăng lên từng ngày. Để đảm bảo công tác chống dịch, các hoạt động kinh doanh, vận chuyển được kiểm soát chặt chẽ. Các chủ cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện phòng dịch sẽ không được hoạt động. Thêm vào đó, chợ cóc, chợ tạm được giải tỏa triệt để dẫn đến việc cung ứng nhu yếu phẩm cho nhân dân cần kênh thêm kênh phối mới để đảm bảo đầy đủ, kịp thời, an toàn.
Trong khi đó, qua rà soát phương án để phù hợp với tình hình thực tế, cho thấy phân phối nhu yếu phẩm qua kênh Thương mại điện tử và giao hàng tại nhà thời điểm áp dụng Chỉ thị 17 đang hạn chế do chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động lưu thông trên đường, trong đó có hoạt động vận chuyển hàng hóa. Bởi vậy, việc triển khai các điểm bán hàng lưu động là cần thiết tại thời điểm này. Góp phần giảm tải cho các chợ truyền thống và siêu thị. Đồng thời bảo đảm giãn cách, hạn chế di chuyển, an toàn phòng dịch
Thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng phương án huy động và điều động phương tiện phục vụ vận chuyển lưu thông hàng hóa, kịp thời để chỉ đạo các lực lượng chức năng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong vận chuyển, lưu thông. Đến nay, hàng hóa của các doanh nghiệp được lưu thông bình thường. Đồng thời, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải cấp mã QR code đăng ký “Luồng xanh ” cho xe ô tô của các doanh nghiệp. Đến ngày 3/8, Sở Giao thông vận tải đã cấp (trong lĩnh vực Công Thương) được 1.443 xe ô tô; cấp mã xác nhận cho 4.351 xe mô tô hai bánh phục vụ giao nhận, vận chuyển cho các doanh nghiệp Thương mại điện tử.
Nhiều quận, huyện triển khai điểm bán hàng lưu động
Kể từ ngày 2/8, AEON Việt Nam triển khai các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các phường tại quận Long Biên với sự hỗ trợ của UBND quận Long Biên nhằm cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân địa phương. Các xe bán hàng lưu động được duy trì bán tại 4 điểm gồm: Số 5 đường Vạn Hạnh, Khu đô thị Việt Hưng; sân bóng đảo Sen, 125 Nguyễn Sơn; sân chơi số 34 phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy và số 11 Đặng Vũ Hỷ, phường Thượng Thanh. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhân viên bán hàng và khách hàng đều được yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5K của Bộ Y tế với sự hỗ trợ và điều phối của UBND các phường.
Người dân mua thực phẩm tại điểm bán hàng lưu động của AEON Việt Nam tại quận Long Biên
Theo ông Đàm Mạnh Tuấn- Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên, chúng tôi đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo về nguồn hàng và hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân quận Long Biên cũng như tại Hà Nội. AEON Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng thành phố trong việc mở thêm các điểm bán hàng lưu động tại nhiều địa bàn nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân Thủ đô.
Còn tại quận Ba Đình, kế hoạch số 218/KH-UBND về tổ chức bán hàng lưu động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn cũng đã được ban hành hôm qua ngày (4/8). Theo đó, 41 điểm bán hàng lưu động sẽ được triển khai tại 14 phường để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân đảm bảo đầy đủ, kịp thời và an toàn. Những điểm này đã được UBND phường rà soát và phòng Quản lý đô thị xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, quận sẽ rà soát, bổ sung địa điểm là sân của khu tập thể, chung cư cao tầng, sân các trường học, bãi đất trống có diện tích trên 100m2 trên địa bàn quận. Các điểm bán hàng lưu động cần đảm bảo đủ diện tích để thực hiện quy định 5K khu người dân vào mua hàng, thuận tiện cho xe ô tô tải loại 1,5 tấn trở lên ra vào và đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… Các đơn vị đã ký cam kết với UBND quận gồm: Hệ thống BRG, hệ thống Vinmart, Lotte Mart, Công ty Hương Việt Sinh, Công ty thực phẩm UNIFOOD.
Sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động. Để đảm bảo được nguồn cung và tiếp tục phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa về phục vụ nhân dân trên địa bàn, đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên sàn Thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7....), một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối.
Người dân mua hàng tại các xe bán hàng lưu động
Hiện nay doanh nghiệp tại các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán. Hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công Thương đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch COVID-19 trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 01 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên; rà soát các điểm đất trống, sân vận động, bến xe (đang dừng hoạt động), các chợ đang hoạt động chưa hết công suất…đối với các địa phương ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô để giúp Thành phố làm nơi trung chuyển hàng hóa, dãn cách cho các chợ đầu mối đang dừng hoạt động.
Tính đến nay trên địa bàn Thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí. Do vậy, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa, song hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện, bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhân dân.
TP.HCM tăng cường thêm điểm bán cố định và lưu động phục vụ người dân
Theo như thống kê tính đến ngày 4/8, TP.HCM đã triển khai được thêm 192 điểm bán hàng cố định, 587 điểm bán lưu động với 910 lượt xe, được phân bổ theo nhu cầu của các quận, huyện, thành phố. Qua thực tế cho thấy tại TP. Hồ Chí Minh các kênh bán hàng tương đối phong phú đa dạng, nhờ đó thị trường hàng hóa phía Nam đang dần ổn định không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mọi hoàn cảnh.
Theo báo cáo của tổ tiền phương về đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho các tỉnh thành phố trực thuộc phía Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tính đến ngày 4/8/ 2021, trên địa bàn TP.HCM có 100/106 siêu thị, 2.763/2.895 cửa hàng tiện lợi, 33/234 chợ truyền thống đang hoạt động.
Các điểm bán hàng lưu động tại TP.HCM
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã triển khai nhiều loại hình phục vụ mua sắm cho người dân trên địa bàn như: Phát phiếu đi mua thực phẩm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tổ chức các điểm bán hàng lưu động (tại khu vực sân bóng, sân vận động, sân trường học, dọc tuyến đường...) với số lượng từ 2-15 tiểu thương/điểm, ưu tiên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, tổ chức chương trình "tình nguyện viên giúp dân đi chợ" trong và ngoài khu cách ly, khu phong tỏa; tổ chức siêu thị 0 đồng. Các điểm bán hàng lưu động hoạt động dưới hình thức mua hàng có đăng ký trước (theo Combo)… đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.
Qua tổng hợp thông tin báo cáo từ Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đến ngày 4/8/2021, nhìn chung tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố phía Nam tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa được cải thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân.
Na Dương