Tăng trưởng của kinh tế châu Á trên đà bứt phá

Lê Minh (Theo Nikkei) 15:01 | 17/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo nhà kinh tế trưởng tại châu Á của Morgan Stanley, Chetan Ahya, đà phục hồi hậu đại dịch tại khu vực này sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm nay. Vào cuối năm, ông nhận định tăng trưởng kinh tế của châu Á sẽ vượt Mỹ 4,4 điểm phần trăm.

Người mua sắm ở Ahmedabad. Mảng tiêu dùng của Ấn Độ dẫn đầu quá trình phục hồi kinh tế của đất nước. Nguồn: Reuters

Có ba yếu tố trong câu chuyện tăng trưởng vượt trội của châu Á.

Thứ nhất, không như Mỹ và châu Âu, châu Á không chứng kiến cú sốc lãi suất. Lạm phát tại khu vực này là do chi phí đẩy hơn là do nhu cầu kéo. Do đó, các ngân hàng trung ương ở châu Á không buộc phải quá quyết liệt khi tăng lãi suất, nhờ đó sức ép đối với nhu cầu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ thấp hơn.

Lạm phát tại châu Á đang trên đà giảm, với giá thực phẩm và năng lượng hạ nhiệt, giá hàng hóa đảo ngược từ các mức cao trong năm 2022.

Sắp tới, khi giá hàng hóa và giá nhập khẩu giảm, lạm phát giá hàng hóa lõi sẽ đi xuống. Điều này có thể đưa lạm phát cơ bản về mức mà 80% các ngân hàng trung ương trong khu vực mong muốn như hồi tháng 6.

Khi lạm phát giảm nhanh đưa giá tiêu dùng về gần mức mục tiêu của các ngân hàng trung ương ở châu Á, hầu hết các ngân hàng đã dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.

Việc lạm phát tiếp tục giảm sẽ cho phép các ngân hàng trung ương ở châu Á hạ lãi suất. Trong khi Ngân hàng trung ương Indonesia (In-đô-nê-xi-a) có thể hạ lãi suất ngay vào quý IV năm nay, các nhà kinh tế không cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể hành động tương tự trước tháng 1 năm tới.

Thứ hai, Trung Quốc có thể trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực trong hai quý tới, khi đà phục hồi mạnh hơn.

Trong những tháng gần đây, các nhà đầu tư đã trở nên lo ngại hơn về tốc độ phục hồi tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, cho rằng nguyên nhân chính khiến nền kinh tế giảm tốc là những thách thức lớn về cơ cấu đã gây trở ngại cho việc duy trì đà phục hồi mạnh mang tính chu kỳ.

Tuy nhiên, ông Ahya cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc chủ yếu là do đầu tư thấp mang tính chu kỳ và tiêu dùng vẫn tiếp tục phục hồi. Các nhà hoạch định chính sách có thể xoay chuyển tình hình với việc nới lỏng chính sách hơn nữa để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhà ở.

Một nhà hàng ở Đài Loan (Trung Quốc). Giá năng lượng và thực phẩm châu Á thấp hơn đã thúc đẩy một đợt giảm phát. Nguồn: Reuters.

Trong khi một số nhà đầu tư quan ngại về việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách, triển vọng kinh tế vĩ mô của nước này vẫn tùy thuộc vào thị trường lao động và sự ổn định xã hội.

Tăng trưởng lương tại Trung Quốc đạt một nửa tốc độ trước đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên cao kỷ lục là 20,8%.

Ông Ahya cho rằng việc nới lỏng chính sách hơn nữa sẽ diễn ra trong tháng tới nhằm đảo ngược tình hình, thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế trong nửa cuối năm.

Thứ ba, nhu cầu trong nước tại các nền kinh tế chủ chốt khác tại châu Á được cho là vẫn mạnh trong những tháng tới.

Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản là những động lực chính giúp tăng trưởng của châu Á vượt trội kể từ đầu năm. Sự phục hồi tăng trưởng của cả ba nền kinh tế này đều đang nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô và vi mô, và có thể mở rộng ra các yếu tố khác trong GDP.

Hoạt động tiêu dùng tại các nền kinh tế này vốn đang trong giai đoạn đầu phục hồi sẽ trở nên mạnh hơn. Do đó, có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng từ chi tiêu cho các dịch vụ sang cho hàng hóa.

Nhu cầu của người tiêu dùng mạnh hơn cũng đưa đến sự khởi sắc trong hoạt động đầu tư, đặc biệt là cho các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. Trong khi đó, các phân khúc đầu tư liên quan đến bên ngoài có thể đối mặt với sự phục hồi hạn chế hơn.

Số liệu mới cho thấy giai đoạn nhu cầu giảm mạnh nhất với hàng hóa của châu Á đã qua. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn đối mặt với sự phục hồi vừa phải, do triển vọng tăng trưởng yếu hơn ở các nền kinh tế thị trường phát triển.

Có hai rủi ro chính đối với dự báo tích cực của Morgan Stanley về kinh tế châu Á. Thứ nhất là nếu Fed gây bất ngờ cho các thị trường bằng việc tăng lãi suất, điều có thể gây nguy cơ suy giảm đối với tăng trưởng kinh tế của Mỹ và lại gây sức ép lên triển vọng tăng trưởng của châu Á khi làm giảm nhu cầu với hàng hóa. Thứ hai là việc Trung Quốc trì hoãn nới lỏng chính sách, khiến nền kinh tế giảm tốc mạnh hơn và gây sức ép lên các nền kinh tế khác trong khu vực.

Nhìn chung, tốc độ phục hồi của kinh tế châu Á có thể vượt các thị trường phát triển chủ chốt như Mỹ và châu Âu trong năm nay và trong nửa đầu năm tới, chênh lệch lãi suất có thể ở mức trung bình 4 điểm phần trăm./.