Tăng trưởng kinh tế 2021: Yếu tố quyết định vẫn là vaccine

16:58 | 03/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
IMF cho hay, tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ bị tổn thương hơn so với nhóm nước phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP trên thế giới không đồng đều do tốc độ tiêm chủng COVID-19

 Đã gần 2 năm kể từ khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay dịch bệnh này vẫn đang gây lên những tác động nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu.

Trong dự báo mới nhất mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố hôm 27/7, tổ chức này cho biết, Đại dịch COVID-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do các đợt bùng phát tiếp tục diễn ra ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.

IMF cho hay, tỷ lệ tiêm chủng thấp đã khiến các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dễ bị tổn thương hơn so với nhóm nước phát triển có tỷ lệ tiêm vaccine cao.

Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, nhưng tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các nước đang gia tăng. Theo IMF, mức dự báo mới về tăng trưởng của kinh tế toàn cầu không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4/2021, nhưng kinh tế Mỹ được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức 7% trong năm nay, nhờ gói chi tiêu lớn của chính phủ và chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai rộng rãi, còn dự báo tăng trưởng của Ấn Độ bị hạ xuống do nước này đối mặt với số ca nhiễm gia tăng.

Tăng trưởng kinh tế 2021: Yếu tố quyết định vẫn là vaccine - ảnh 1

Tiếp cận vaccine sớm giúp các nền kinh tế có cơ hội phục hồi tốt hơn

IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng năm 2021 của Canada và Anh lên các mức tương ứng là 6,3% và 7%, của Khu vực sử dụng đồng euro được tăng nhẹ lên 4,6%.

Mức tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ bị hạ xuống 9,5% và thậm chí của Trung Quốc bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống 8,1%.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á bởi vì đây là khu vực đang trở thành điểm nóng COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Delta, buộc các quốc gia này phải áp đặt các lệnh cấm đi lại và các biện pháp giãn cách. Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, dự báo tăng trưởng cho Indonesia hạ 0,4 điểm phần trăm xuống còn 3,9%; Malaysia hạ 1,8 điểm phần trăm  xuống còn 4,7%; Philippines hạ 1,5 điểm phần trăm  xuống còn 5,4% và Thái Lan hạ 0,5 điểm phần trăm  xuống còn 2,1%.

Dữ liệu của The Economist cho thấy tăng trưởng GDP của nhiều nước trong năm nay tương ứng với tỉ lệ dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Nghiên cứu cho biết tác động của tiêm chủng đối với tăng trưởng kinh tế được cải thiện trong khoảng thời gian 5 năm, mỗi năm giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm.

Trong số các nền kinh tế lớn được World Bank khảo sát, 10 nền kinh tế có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất được dự báo sẽ tăng trung bình 5,5% trong năm nay. Nhờ tốc độ tiêm chủng nhanh (cũng như quy mô gói kích thích kinh tế), tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 được điều chỉnh tăng từ 3,5% lên 6,8%. Các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn so với các nền kinh tế khác cũng được World Bank nâng dự báo tăng trưởng.

Ngược lại, tại 29 nền kinh tế nghèo nhất thế giới (bao gồm 23 quốc gia ở châu Phi cận Sahara), chỉ 0,3% dân số được tiêm dù chỉ một liều vaccine, triển vọng tăng trưởng đã xấu đi. GDP tổng hợp của nhóm này dự kiến tăng 2,9% trong năm nay (không phải 3,4% như dự báo 6 tháng trước).

Theo nhận định của Goldman Sachs, tiêm phòng giúp tăng trưởng theo ít nhất 2 cách. Nó cho phép các quốc gia nới lỏng việc khóa cửa hoặc bất kỳ hạn chế nào khác vốn đang kìm hãm nhiều khu vực kinh tế. Mặt khác, nó làm giảm nguy cơ bùng phát trong tương lai, giúp tăng trưởng có khả năng phục hồi tốt hơn.

Vaccine là yếu tố quyết định bức tranh kinh tế Việt Nam 2021

Mặc dù IMF không đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong báo cáo lần này, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy bức tranh triển vọng kinh tế Việt Nam trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu 2021 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/6 vừa qua. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021 GDP nước ta tăng trưởng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Nhưng đánh giá về con số trên Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng con số này thấp hơn với dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng khớp với dự báo của nhóm nghiên cứu BIDV khoảng 5,5% cho 6 tháng đầu năm.

Theo ông Lực, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ sở 6,1 - 6,3% thấp hơn dự báo World Bank và ADB dành cho Việt Nam. "Các tổ chức vẫn dự báo lạc quan Việt Nam tăng trưởng 7% nhưng các đợt dịch qua tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực khác nhau, khả năng đạt được tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra là cực kỳ khó khăn, cố gắng đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6% là thành công rồi”, ông Lực nói.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, nhóm chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tăng trưởng GDP còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; hiệu quả của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, triển vọng của nền kinh tế đã xấu đi rất nhiều khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trong giữa và cuối quý II, theo đó đã làm gián đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại các địa phương đang bùng phát dịch.

Mặt khác, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn; tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng còn chậm; sức khỏe của hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương.

Đặc biệt là sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực doanh nghiệp FDI, thiếu tự chủ về công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp và chậm cải thiện; tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; môi trường và thể chế kinh doanh dù từng bước được cải thiện nhưng về căn bản chưa giải phóng được sức mạnh của doanh nghiệp...

Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR đưa ra 3 kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, với giả định chung là các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vaccine phòng COVID-19 vào đầu quý IV/2021 và khống chế được tình trạng dịch tái bùng phát; hoạt động kinh tế trên toàn cầu được khôi phục và căng thẳng thương mại, bất ổn chính trị được làm dịu hơn. Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.

Ở kịch bản cơ sở, dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 - 5,1%.

Với kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 - 6,1%.

Còn trong kịch bản bất lợi, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5 - 4,0%.

Với cả 3 kịch bản này, những khuyến nghị chính sách được các chuyên gia của VEPR đưa ra là Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán trong việc đối phó với các tình huống của dịch bệnh; khắc phục các bất cập liên quan đến lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khai báo y tế, đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan; tình trạng thiếu trang thiết bị y tế cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức.

Về tài chính tiền tệ, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

H.A

Xem thêm: Giải bài toán tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid – 19