Tập đoàn kinh tế tư nhân: Vị thế và khát vọng vươn lên

08:00 | 24/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngày càng nhiều tập đoàn kinh tế (TĐKT) tư nhân có năng lực thực hiện các dự án lớn. Họ mong muốn một khung khung pháp lý hỗ trợ để vươn cao hơn. Đây là ý kiến hiến kế cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách của GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tập đoàn kinh tế tư nhân: Vị thế và khát vọng vươn lên - ảnh 1
GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phát biểu tại “Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. 
Theo GS. TS. Nguyễn Mại, Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ V (Khóa XII) khẳng định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP”.

Nghị quyết đã thực sự tạo ra cơ hội mới đối với phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời  khuyến khích việc hình thành và phát triển các TĐKT lớn, trong đó có những tập đoàn xuyên quốc gia để làm chủ thị trường trong nước và từng bước  tăng cường vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

Tương quan với kinh nghiệm quốc tế, GS. TS. Nguyễn Mại dẫn chứng: Tại Mỹ, các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple, Google, Micrsoft, Facebook… là biểu tượng của nền kinh tế số và đã có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế nước này.

Sự tăng trưởng thần kỳ của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 60-80 của thế kỷ trước cũng có sự đóng góp lớn của các tập đoàn kinh tế như Honda, Toyota, Mitsubishi… Tương tự, tại Hàn Quốc các chaebol như Samsung, Hyundai, LG… cũng có những đóng góp lớn cho nền kinh tế, trong đó Samsung đóng góp tới 20% kim ngạch xuất khẩu.

“Có thể thấy, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã trở thành những nền kinh tế phát triển của thế giới phần lớn là nhờ có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân phát triển xuyên quốc gia (TNC). Các tập đoàn này kinh doanh nhiều ngành nghề, có nhà máy, cửa hàng, văn phòng đại diện ở nhiều nước, tiềm lực kinh tế hùng mạnh với hình tượng mặt trời không bao giờ lặn tại tập đoàn”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói.

Nhìn lại bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Mại cho rằng từ khi chuyển sang kinh tế thị trường, nhất là từ 1999 khi Luật Doanh nghiệp ra đời, kinh tế tư nhân phát triển nhanh chóng.

Tuy vậy 10 năm sau đó, năm 2010 mới bắt đầu có một số TĐKT tư nhân quy mô lớn, từ đó, do môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng được cải thiện, nước ta hội nhập sâu rông với thế giới nên một số TĐKT tăng trưởng nhanh chóng, từ chỗ kinh doanh một vài sản phẩm, chuyển hướng sang kinh doanh đa ngành, từ chổ chủ yếu làm giàu nhờ vào bất động sản, thương mại, chuyển sang làm giàu bằng công nghệ và dịch vụ chất lượng cao, coi trọng chất lượng, hiệu quả và thương hiệu; từ kinh doanh chủ yếu ở trong nước đã đầu tư tại một số nước trở thành công ty xuyên quốc gia.

Ông Mại một lần nữa nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân, trong đó có TĐKT đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng tốc độ tăng trưởng, đổi mới công nghệ, hình thành đội ngũ lao động có kỷ năng, nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện cuộc sống của các tầng lớp dân cư.

TĐKT tư nhân Việt Nam khá đa dạng

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc hình thành các TĐKT tư nhân Việt Nam khá đa dạng.

Một số đi lên từ bất động sản nhờ vào tích lũy vốn từ đất đai do giá đất tăng lên nhiều lần trong quá trình đô thị hóa và hình thành các khu công nghiệp.

Số khác khởi nghiệp bằng kinh doanh thương mại, mở các cửa hàng bán buôn, bán lẻ ở trong nước và xuất nhập khẩu. Không ít doanh nghiệp nhờ vào tích lũy vốn từ kinh doanh ở nước ngoài, chuyển về nước vào thời kỳ nhà nước khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển kiều hối, đầu tư  sản xuất, kinh doanh đã tăng trưởng rất nhanh. Cùng với sự đổi mới chính sách kinh tế, ngày càng có nhiều các TĐKT hình thành trong đó đã có những tập đoàn kinh tế lớn vươn tầm khu vực. Ngày càng có nhiều TĐKT có năng lực thực hiện các dự án lớn.

Tập đoàn kinh tế tư nhân: Vị thế và khát vọng vươn lên - ảnh 2
Tập đoàn Vingroup đang tiên phong trên lĩnh vực công nghệ, bên cạnh phát triển bất động sản.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức là điển hình của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế đất đai, tài nguyên của địa phương để trở thành công ty đa ngành nghề. HAGL đã trải qua giai đoạn khó khăn do đầu tư quá dàn trải, nợ phải trả lên đến 32.900 tỷ đồng (2015). HAGL đã cơ cấu lại sản xuất và kinh doanh, hợp tác với Tập đoàn Thaco để tận dụng thế mạnh của hai bên khi HAGL có quỹ đất  80.000 ha tại Việt Nam, Lào và Campuchia, có đội ngũ cán bộ kỹ sư nông nghiệp hàng nghìn người được đào tạo bài bản, trong khi Thaco mạnh về tài chính, cơ khí, tự động hoá và quản trị doanh nghiệp. Đây là sự hợp tác giữa hai tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam rất đáng được trân trọng.

Tập đoàn Đèo Cả của Ông Hồ Minh Hoàng là điển hình quá trình phát triển từ hợp tác xã sang tập đoàn lớn trong ngành giao thông; tiền thân là hợp tác xã xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch (ra đời năm 1985) nhờ mở rộng quan hệ đối tác, thực hiện thành công các dự án xây dựng và xây lắp điện, mộc tại tỉnh  Phú Yên, được sự giúp sức từ phía chính quyền địa phương nên đã tích lũy được vốn, hình thành đội ngũ cán bộ kỷ thuật, chuyên viên kinh tế, mua sắm thiết bị, làm chủ công nghệ.

Tập đoàn Vingroup gần đây đang tập trung cho công nghiệp ô tô, điện thoại bên cạnh phát triển bất động sản, để xuất khẩu các sản phẩm công nghệ ra thế giới.

VietJet là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam phát triển theo mô hình hàng không thế hệ mới, hay TH True Milk phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, đầu tư cả vào giáo dục.

Tập đoàn FPT từ nền tảng công ty phần mềm đã phát triển thành tập đoàn kinh doanh đa ngành. Thaco cũng từ doanh nghiệp nhỏ trở thành tập đoàn sản xuất và kinh doanh ô tô lớn của đất nước,… FPT là điển hình thành công của cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trở thành tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, đang kinh doanh khá thành công ở nhiều nước công nghiệp phát triển.

Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco) là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo. Thaco đang mở rộng thị trường trong khu vực ASEAN, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm lựa chọn công nghệ phù hợp, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng để phát triển thành tập đoàn công nghiệp đa ngành,  chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp với nguyên tắc “8 chữ T: Tận tâm - Trung Thực - Trí Tuệ - Tự Tin - Tôn Trọng - Trung Tín - Tận Tình - Thuận Tiện”.

Tân Hiệp Phát tiền thân là nhà máy bia Bến Thành được thành lập năm 1994, hiện là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất kinh doanh nước giải khát không cồn với những thương hiệu chủ lực như Trà Không Độ, trà Dr.Thanh, Number One…, có thể “Cạnh tranh với những người khổng lồ” (tên cuốn sách của Tân Hiệp Phát) như Coca cola, Pepsi cola trên thị trường Việt Nam.

Him Lam là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam,  có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, ông Dương Công Minh nắm giữ 99% cổ phần.

“Đại đa số chủ tịch các TĐKT Việt Nam đều có hoài bão, niềm tin và khát vọng xây dựng những thương hiệu mạnh không chỉ trên thị trường nội địa mà cả ở thị trường quốc tế. Chủ tịch Vingroup xác định sứ mệnh của tập đoàn là “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam”. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương đề ra mục tiêu “ Thaco trở thành tập đoàn đa ngành, chủ yếu là ô tô của Việt Nam và mang tầm ASEAN”. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng tin tưởng các nhà sản xuất nội địa có thể chiếm thị phần của các tập đoàn toàn cầu, là bệ phóng để vươn ra thị trường toàn cầu, hoàn toàn có thể trở thành những Samsung, LG như của Hàn Quốc”, GS. TS Nguyễn Mại dẫn chứng.

Khát vọng hướng tới hàng nghìn TĐKT lớn

Khẳng định thành tựu kinh tế-xã hội và sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân năm 2018 là tiền đề để thực hiện vượt mức mục tiêu năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, trong đó có hàng nghìn TĐKT, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khuyến nghị: Để thực hiện thành công mục tiêu đó cần có giải pháp về thế chế và quản trị doanh nghiệp.

Đó là hình thành mô hình TĐKT với việc tập hợp nhiều thành viên, công ty mẹ là hạt nhân liên kết các công ty con. Để tập đoàn mới hình thành, nên có cấu trúc đa dạng, cần học tập kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam để khuyến khích phát triển, có chiến lược kinh doanh toàn cầu, có quy mô, có khả năng cạnh tranh.

TĐKT có thể tạo ra sự độc quyền, Chính phủ cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chẳng hạn, luật chống độc quyền của Mỹ. Cần phát triển chiến lược thương hiệu để hình thành nhiều tập đoàn có uy tín trong nước và quốc tế.

Tập đoàn kinh tế tư nhân: Vị thế và khát vọng vươn lên - ảnh 3
Thaco là điển hình của quá trình phát triển từ một công ty công nghiệp quy mô nhỏ thành một tập đoàn hàng đầu trong ngành chế tạo.
Tiếp đó, Chính phủ cần hỗ trợ tập đoàn tích lũy vốn, cần có nhiều phương thức để huy động vốn, nhà nước cần hoàn thiện thể chế để các doanh nghiệp tư nhân huy động vốn. TĐKT cần được khuyến khích phát triển thành công ty đại chúng đa sở hữu nhằm giải bài toán tích luỹ vốn và tạo lập nguồn lực để phát triển nhanh và hiệu quả cao,  có chiến lược kinh doanh dài hạn, tầm nhìn toàn cầu, quản trị hiện đại và minh bạch, nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Đầu tư cho công nghệ và nguồn nhân lực. Tập đoàn kinh tế cần đầu tư cho phát triển công nghệ và nguồn nhân lực để mở rông quy mô và uy tín của doanh nghiệp. Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Áp dụng các chính sách đơn giản để doanh nghiệp tiếp cận được các quỹ. Xây dựng nhiều trường đào tạo về quản trị để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Hình thành kinh tế chuỗi. Chuỗi cung ứng xanh thay đổi cách làm việc của các doanh nghiệp, hướng tới công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý để doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo các cơ hội hợp tác để các doanh nghiệp có cơ hội vươn ra hoạt động ở nước ngoài.

Cuối cùng, cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của kinh tế thị trường. Cần khuyến khích cạnh tranh, lấy đổi mới sáng tạo là nền tảng phát triển kinh tế, vì dân giàu nước mạnh. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển TĐKT trong nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển, làm hạt nhân trong từng chuỗi cung ứng sản phẩm, đồng thời quy định minh bạch về quan hệ hợp đồng trong nội bộ tập đoàn để đề phòng và xử lý kịp thời tình trạng “chuyển giá”, trốn thuế, sở hữu chéo, hình thành mối “quan hệ cánh hẩu” giữa doanh nghiệp với ngân hàng, với cơ quan nhà nước.