Tập đoàn Phúc Sơn đang đầu tư những dự án bất động sản nào?

Công Tâm 11:14 | 27/02/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Phúc Sơn là chủ đầu tư loạt dự án bất động sản quy mô lớn tại Vĩnh Phúc như Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn, Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường...

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CTCP Tập đoàn Phúc Sơn, CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, C03 đã khởi tố, bắt tạm giam đối với 6 bị can gồm ông Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi "Hậu Pháo”) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn và các bị can đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Hậu trước khi bị bắt. (Ảnh: Công an Nhân dân).

Tập đoàn Phúc Sơn tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, chính thức được thành lập ngày 6/1/2004. Năm 2009, doanh nghiệp được đổi tên thành CTCP Đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn. Đến năm 2010, doanh nghiệp đổi tên thành CTCP Tập đoàn Phúc Sơn và hoạt động với tên gọi này cho đến nay.

Tập đoàn Phúc Sơn có trụ sở chính ở xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản, xây dựng.

Thời điểm tháng 2/2017, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Văn Hậu sở hữu 99% vốn, hai cá nhân khác là Ngô Thị Thanh Nhàn (0,75%%) và Nguyễn Thanh Tùng (0,25%). Sau nhiều đợt liên tục tăng, giảm vốn điều lệ, tại thời điểm tháng 5/2022, Phúc Sơn có vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng.

Ngoài Tập đoàn Phúc Sơn, ông Hậu còn là đại diện pháp luật của CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Phúc Khánh, CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang, CTCP Đầu tư Hạ tầng công nghiệp Phúc Sơn.

Trên thị trường bất động sản, Phúc Sơn được biết đến là chủ đầu tư của nhiều dự án tại Vĩnh Phúc như: Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (hơn 127 ha), Khu đô thị mới tại thị trấn Tứ Trưng và thị trấn Vĩnh Tường (hơn 30 ha), Khu nhà ở cho người thu thập nhấp 15 tầng (trung tâm TP Vĩnh Yên), Cụm Công nghiệp Thổ Tang (gần 36 ha), Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường quy mô hơn 185 ha (CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư).

Tại Quảng Ngãi, CTCP Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long là chủ đầu tư Khu đô thị Bàu Giang tại phường Chánh Lộ, Nghĩa Lộ và xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa. Dự án có quy mô 50 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng.

Tại Khánh Hòa, Phúc Sơn là chủ đầu tư Khu đô thị Phúc Khánh 1, Khu đô thị Phúc Khánh 2 (hơn 60 ha) và Khu Trung tâm Đô thị thương mại Dịch vụ – Tài chính – Du lịch Nha Trang tại sân bay cũ TP Nha Trang (18,8 ha), đây cũng là dự án vướng nhiều ồn ào của doanh nghiệp này.

Phải nộp gần 12.000 tỷ liên quan dự án bay Nha Trang cũ

Phối cảnh tổng thể dự án Khu Trung tâm đô thị - Thương mại – Dịch vụ - Tài chính – Du lịch Nha Trang. (Ảnh: Tập đoàn Phúc Sơn).

Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định công bố Quy hoạch chi tiết Khu Trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang. Theo đó, tại khu vực sân bay Nha Trang cũ có diện tích 186 ha được xây dựng thành một khu phức hợp với đầy đủ loại hình thương mại, dịch vụ, công viên, bảo tàng…

Tháng 10/2016, UBND tỉnh này đã thu hồi hơn 62,3 ha đất để giao cho Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án (gồm phân khu 2A, phân khu 2 và phân khu 3).

Tháng 11/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Phúc Sơn thực hiện ba dự án BT (xây dựng – chuyển giao) gồm: Dự án nút giao thông Ngọc Hội, dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội và dự án nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang. Tổng mức đầu tư của ba dự án này là 3.562 tỷ đồng; nhà đầu tư được hoàn vốn hơn 20 ha đất tại sân bay Nha Trang.

Do đó, vẫn còn khoảng hơn 42 ha đất sân bay Nha Trang mà tập đoàn này đã được giao từ nhiều năm nhưng chưa khấu trừ, hoàn vốn cho dự án BT nào.

Tháng 8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản đề nghị Phúc Sơn khẩn trương nộp gần 12.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước để thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Dự án Khu Trung tâm Đô thị - Thương mại - Dịch vụ - Tài chính - Du lịch Nha Trang.

Ngay sau đó, Tập đoàn Phúc Sơn đã có văn bản phản hồi tỉnh Khánh Hòa: Số tiền phải nộp là 11.994,92 tỷ chưa có đủ căn cứ pháp lý để tính toán, xác định, đảm bảo theo nguyên tắc ngang bằng giá trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT.

Tháng 6/2021, ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ký thông báo Kết luận về việc việc chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến các dự án BT sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Theo Kết luận này, có 6 dự án BT có chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán tại khu vực sân bay Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trong đó, ba dự án do CTCP Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư (NĐT) gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối Khu sân bay Nha Trang; dự án Nút giao Ngọc Hội; dự án đường Vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội.

Quá trình thanh tra, TTCP đã phát hiện một số sai phạm đáng chú ý như việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giả, biện pháp thi công, đến bù giải phóng mặt bằng và đưa một số hạng mục vào dự án đầu tư chưa đúng quy định (hạng mục đường dây cấp điện) làm tăng tổng mức đầu tư ba dự án BT lên 499,2 tỷ đồng.

Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định bổ sung giao đất, cho thuê đất để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thanh, quyết toán các dự án BT theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư theo hình thức BT; xử lý diện tích đất còn lại theo đúng quy định của pháp luật, phủ hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.

Đồng thời, rà soát lại đơn giá, định mức, biện pháp thi công, chi phí giải phóng mặt bằng và các hạng mục đầu tư để phê duyệt lại BCNCKT làm căn cứ cơ sở điều chính hợp đồng BT, phê duyệt thiết kế dự toán (đảm bảo nguyên tắc ngang giá, cùng thời điểm xác định giả thu tiền sử dụng đất).