Tập đoàn Trí Nam: Đơn vị 'phủ xanh' Hà Nội bằng xe đạp công cộng là 'ông lớn' kín tiếng trong lĩnh vực công nghệ

Đông Bắc 14:04 | 18/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội sẽ triển khai dịch vụ xe đạp công cộng tại 6 quận nội thành từ tháng 9 tới. Theo đó, người dân có thể sử dụng dịch vụ thông qua phần mềm trên smartphone: mở khóa xe bằng quét mã QR, tìm trạm và đặt xe qua ứng dụng...

  

Sở Giao thông vận tải Hà Nội và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam vừa triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 79 điểm trên địa bàn 6 quận nội thành: Ba Ðình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ðống Ða, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng.

Hiện Tập đoàn Trí Nam đã hoàn thành xong việc sơn kẻ 78/79 điểm trạm. Riêng điểm trạm còn lại trên địa bàn quận Đống Đa đang sửa chữa hè phố, Công ty Trí Nam sẽ hoàn thiện ngay sau khi thi công xong.

Về phương tiện, theo báo cáo của Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam, đến nay, đơn vị đã hoàn thiện việc nhập xe đạp cơ (500 chiếc). 100 xe đạp trợ lực điện cũng đang được nhập về. Kế hoạch khai trương dự kiến tổ chức trước ngày 2/9 tới đây.

 Điểm trạm dừng xe đạp công cộng trên tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh TN.

Giá thuê một chiếc xe đạp công cộng  thông thường sẽ là 5.000 đồng/30 phút; đối với xe đạp điện là 10.000 đồng/30 phút. Ðây là mức chi phí được người tiêu dùng và khách du lịch đánh giá là khá rẻ. Ðể sử dụng xe, khách thuê sẽ tải ứng dụng cho thuê xe đạp công cộng, nạp tiền vào tài khoản, dùng thẻ từ hoặc smartphone quét QR code trên khóa xe để mở khóa.

 Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ nên quá trình vận hành sẽ mang lại nhiều tiện ích cho cả người dùng và đơn vị quản lý. Các trạm xe không cần người trông coi. Người dùng có thể trả xe ở điểm trạm bất kỳ và ngay cả khi số tiền trong tài khoản không còn đủ, vẫn có thể tiếp tục di chuyển bằng xe đạp điện công cộng. Bởi tiền thuê xe sẽ được tính trong lần tiếp theo khi người dân nạp tiền vào tài khoản.

Các trạm cho thuê xe đạp công cộng được bố trí tại các bến tàu xe, trường học, cơ quan công sở, các điểm công cộng hay các danh lam thắng cảnh… để thuận tiện cho người dân, khách du lịch thuê và trả xe.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Ðề án xe đạp công cộng được UBND thành phố phê duyệt triển khai từ đầu năm 2021. Dự án được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện để phục vụ người dân. Giai đoạn 2 (dự kiến từ năm 2024), dự án mở rộng vùng phục vụ, quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.

Trước Hà Nội, Tập đoàn Trí Nam từng triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại nhiều tỉnh thành phố, như: TP HCM (500 xe), Vũng Tàu (100 xe), Quy Nhơn, Đà Nẵng (300 xe) và Hải Phòng (500 xe).

Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền về việc triển khai mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị và giao Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Hoàn Kiếm căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam tổ chức khai trương.

 Người dân thuận tiện di chuyển bằng dịch vụ xe đạp công cộng. Ảnh TN.

Tập đoàn Trí Nam hoạt động lĩnh vực nào?

Dịch vụ xe đạp công cộng là lĩnh vực mới,  được Tập đoàn Trí Nam đưa vào kinh doanh từ năm 2021. Mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Trí Nam là phát triển các giải pháp công nghệ thông tin, bao gồm giải pháp: Giao thông thông minh, Thu phí không dừng, Đào tạo trực tuyến, Hệ thống thông tin quản lý và CSDL Quốc Gia, Chính phủ điện tử...

Tập đoàn Trí Nam được thành lập năm 2009, bắt đầu bằng hợp tác với Viện CNTT Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chỉ 2 năm sau đó, Trí Nam trở thành đối tác triển khai các cổng thông tin và dịch vụ công cho rất nhiều cơ quan nhà nước. Đến nay đã có 12 bộ, cơ quan ngang bộ là đối tác của tập đoàn.

Giai đoạn 2011 - 2014 đánh dấu bước ngoặt của Trí Nam, khi đơn vị này thành công tiến vào mảng giải pháp giao thông thông minh và đào tạo trực tuyến.

Trí Nam chính là đơn vị tư vấn hệ thống giám sát ATGT đường bộ bằng hình ảnh trên QL5, QL70. Đồng thời là doanh nghiệp triển khai lắp đặt các phân hệ cho dự án Long Thanh Dầu Giây CCTV, VDS, WIM, WOS, hệ thống bộ đàm, hệ thống tổng đài nội bộ, hệ thống truyền dẫn...

Hiện tại, Tập đoàn Trí Nam đã triển khai hệ thống giám sát thu phí quy mô toàn quốc tại các công trình nổi bật như: ETC Pháp Vân - Cầu Giẽ, ETC Hà Nội - Hải Phòng, Trạm Băng Dương tại QL14, Trạm Cái Chanh và trạm ĐăkSong tại QL14, BOT Đèo Cả Khánh Hòa tại QL1, Trạm thu phí Bàn Thạch, Trạm Mỹ Lộc, Trạm Tân Đệ,...

Tập đoàn cũng phát triển thành công nhiều hệ thống đào tạo trực tuyến cho Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập Đoàn Viettel, SunGroup, Cục Hàng Không Việt Nam, MB Bank, VIB Bank, PVComBank...