Tập đoàn Vingroup: Cuộc chơi tỷ USD và giấc mơ Mỹ vươn tầm thế giới
Lịch sử hình thành và phát triển của Vingroup là gì?
Tập đoàn Vingroup là đơn vị được thành lập bởi nhà doanh nhân, tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng. Hiện tại, tập đoàn có giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 16 tỷ đô la Mỹ.
Trước đây, tiền thân của tập đoàn là công ty Technocom được thành lập tại Ukraina từ 8 tháng 8 năm 1993. Sau những thành công trong ngành thực phẩm ăn liền tại xứ người, ông Phạm Nhật Vượng đã tận dụng nguồn lợi nhuận lớn để quay về quê hương đầu tư trong hai lĩnh vực chính là du lịch và bất động sản vào đầu những năm 2000 thông qua hai chiến lược Vinpearl và Vincom.
Đến tháng 1/2012, Tập đoàn Vingroup – Công ty CP chính thức được hình thành sau khi sáp nhập công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất châu Á, bắt đầu những bước tiến lớn của mình.
Tập đoàn có trụ sở chính ở số 7, đường Bằng Lăng 1, Vinhomes Riverside, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Số điện thoại: +84 (24) 3974 9999
Tập đoàn Vingroup và ông chủ Phạm Nhật Vượng.
Vingroup hiện tại được lãnh đạo bởi Chủ tịch Hội đồng Quản trị là ông Phạm Nhật Vượng, CEO là ông Nguyễn Việt Quang và Phó chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Diệu Linh. Đến năm 2018, tập đoàn đã đạt giá trị tổng tài sản là 289.105 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, ngoài mã cổ phiếu VIC của Vingroup, 2 công ty con khác cũng được niêm yết trên sàn HOSE là Cty Cổ phần Vinhomes (mã cổ phiếu VHM) và Cty Cổ phần Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE).
Mặc dù bước qua một năm đại dịch Covid-19 hoành hành, tập đoàn Vingroup vẫn tạo được những bước phát triển ấn tượng khi thực hiện nguyên tắc “5 Hóa” trong mọi hoạt động kinh doanh, đó là “Hạt nhân hóa - Chuẩn hóa - Đơn giản hóa - Tự động hóa - Hiệu quả hóa”, nhằm chuẩn hóa quy trình quản trị, nâng cao hiệu quả kinh doanh và yếu tố con người.
Để kể đến độ phổ biến rộng khắp của các sản phẩm Vingroup, phải nhắc đến câu: Sinh ra tại Vinmec, học tập tại Vinschool, sống trong Vinhomes, liên lạc bằng Vinsmart, lái xe Vinfast đến Vinmart mua sắm.
Sứ mệnh và giá trị của tập đoàn Vingroup
Với sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”, Vingroup đã và đang không ngừng mở rộng kinh doanh, chạm tới mọi khía cạnh cuộc sống trong xã hội.
Giá trị cốt lõi của Vingroup không chỉ nằm ở những con số biểu thị doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính mà được đúc kết bằng slogan: “TÍN - TÂM - TRÍ - TỐC - TINH - NHÂN”.
TÍN là nhân tố hàng đầu được dùng để bảo vệ danh dự, cũng là vũ khí cạnh tranh như lời đảm bảo sẽ nỗ lực hết mình, hoàn thành đúng những cam kết mà khách hàng và đối tác đã đặt niềm tin vào Vingroup.
TÂM là nền tảng để duy trì đạo đức nghề nghiệp, đạo đức xã hội của một đơn vị kinh doanh, giúp tập đoàn giữ vững tinh thần sẵn sàng cống hiến và nỗ lực hết mình để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm về dịch vụ, sản phẩm hoàn hảo nhất.
TRÍ là nhân tố cần thiết để không ngừng nâng cao chất lượng, tiếp tục sáng tạo, dùng nó làm đòn bẩy cho mọi sự phát triển nhằm tạo ra những giá trị khác biệt. Để đứng trên thành công, Vingroup đặt mục tiêu trở thành một “Doanh nghiệp học tập” và “vượt lên chính mình”.
Giá trị cốt lõi nằm trong 6 nhân tố: TÍN - TÂM - TRÍ - TỐC - TINH - NHÂN
TỐC biểu thị cho tôn chỉ lấy “Tốc độ, hiệu quả trong từng hành động” để có thể: Quyết định nhanh – Đầu tư nhanh – Triển khai nhanh – Bán hàng nhanh – Thay đổi và thích ứng nhanh mà không làm sụt giảm chất lượng.
TINH biểu thị cho những tinh hoa đến từ sản phẩm và dịch vụ được những bộ óc tinh hoa sáng tạo nên, góp phần xây dựng một xã hội tinh hoa.
NHÂN là chiến lược con người mà ở đó, mỗi một nhân viên đều phải được coi là tài sản quý giá, được tạo điều kiện để sáng tạo và phát triển. Hệ thống của Vingroup luôn đi theo quan niệm là duy trì một “cơ thể” khỏe mạnh, săn chắc và không có mỡ dư thừa.
Những lĩnh vực kinh doanh của Vingroup
Với ba định hướng chính về Thương mại Dịch vụ - Công nghiệp - Công nghệ, Tập đoàn Vingroup đã có những bước phát triển rộng khắp.
Mảng công nghệ
Với thương hiệu Vintech, tập đoàn xác định gia tăng đầu tư mạnh mẽ để phát triển cả hạ tầng cơ sở và đội ngũ nhân sự, thiết lập các Quỹ đầu tư công nghệ để nâng tầm các dự án công nghệ - trí tuệ nhân tạo trên phạm vi toàn thế giới.
Sự ra đời của hai thương hiệu VINFAST và VINSMART đã trở thành một bước tiến đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa “Giấc mơ Mỹ” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Các sản phẩm điện tử thông minh - gia dụng, các mẫu xe hơi đời mới “made in Vietnam” đều được ra mắt ở cả thị trường nội địa và quốc tế, thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới.
Vingroup là doanh nghiệp tư nhân được yêu thích nhất Việt Nam trong năm 2020.
Mảng thương mại dịch vụ
Đây là tập hợp những hoạt động kinh doanh đóng vai trò như chỗ dựa tài chính và xây dựng một hệ sinh thái quan trọng của tập đoàn Vingroup. Thông qua đó, việc nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm công nghiệp, công nghệ đều được tạo đà thuận lợi hơn.
Lĩnh vực thương mại dịch vụ của Tập đoàn có sự đa dạng và kết nối giữa rất nhiều thương hiệu tỷ USD khác nhau như là:
Vincom: Thương hiệu bất động sản bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
VinUni: Đơn vị giáo dục đại học tại Việt Nam, hướng tới đạt đẳng cấp thế giới.
Vinschool: Hệ thống Giáo dục Liên cấp chất lượng cao.
Vinpearl: Thương hiệu dẫn đầu ngành khách sạn du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Vinhomes: Hệ thống căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại với dịch vụ đẳng cấp.
Vinmec: Hệ thống y tế được đầu tư từ năm 2012, tới cuối năm 2020, được Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore GIC Pte Ltd tham gia mua cổ phần với giá hơn 200 triệu USD (Theo Reuters trích thông cáo báo chí của Vingroup cho biết hôm 28/12).
VinID: Công cụ giúp kết nối khách hàng với toàn hệ sinh thái Vingroup.
Gần đây, đầu năm 2020, Tập đoàn Vingroup đưa ra thông tin muốn rút hoàn toàn khỏi chuỗi VinMart, VinMart+ bằng việc bán toàn bộ cổ phần sở hữu còn lại trong Công ty The CrownX - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ này. Như vậy, chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ sẽ đổi tên thành WinMart ngay trong năm 2021 và không còn liên quan tới hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Vingroup nữa.
Vụ chuyển nhượng này diễn ra từ 2019, được đánh giá là thương vụ lớn nhất của năm và mang về cho tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng lợi ích lớn. Một khoản lãi 8.502 tỷ đồng đã được ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất.
Với những giá trị trên, không khó hiểu vì sao Tập đoàn Vingroup lại có thể trở thành một Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành đang dần vươn tầm thế giới với những cuộc chơi tỷ USD của mình.
Xem thêm: Cổ phiếu VIC tăng sau khi VinFast mở bán ô tô điện VF e34, Phạm Nhật Vượng có thêm hơn 7.000 tỷ đồng
Phương Thúy