Tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã khẩn trương tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương lập, thẩm định Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm để trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ có tổng diện tích quy hoạch toàn khu là 406 ha, vốn đầu tư khoảng 2.002 tỷ đồng.
Theo đó, sau khi quy hoạch được phê duyệt, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.
Chức năng là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực tôm; sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, sản xuất tôm thương phẩm, chế biến thức ăn, chế biến tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh Bình Định và miền Trung.
Khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc.
Có thể thấy, Bình Định là tỉnh không có nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản. Do đó khi quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản, tỉnh đã kêu gọi đầu tư sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm.
Trước xu thế này, Tập đoàn Việt – Úc đã vào Bình Định đầu tư xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao nhằm cho ra sản phẩm đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản, quyết tâm hiện thực hóa khát vọng “Nâng tầm tôm Việt”!.
Tỉnh Kiên Giang cũng vừa nhận chuyển giao nhiều công nghệ nước ngoài vào nông nghiệp. Theo đó, Kiên Giang đã và đang thực hiện các đề tài khoa học công nghệ nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, thực hiện đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”, tỉnh tiếp nhận, chuyển giao nhiều công nghệ từ nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản…Mở rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh chóng và bền vững, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao được hình thành, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân.
Nâng cao đời sống cho người nông dân được thành phố Hà Nội coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, việc phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại được thành phố xác định là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Trên thực tế, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thành phố cũng cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn để phù hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại Cần Thơ, UBND TP.Cần Thơ vừa làm việc với Trường Đại học Cần Thơ về Dự án Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Cờ Đỏ.
Hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ đang triển khai dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ với tổng mức đầu tư 106 triệu USD, dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2022. Trong đó, sẽ đào tạo khoảng 60 tiến sĩ, xây dựng được khoảng 47.000m2 phòng học, phòng thí nghiệm và khoảng 10.000m2 các trạm đài thí nghiệm, xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, thư viện đầy đủ và đồng bộ.
Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước sự tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao của nhiều tỉnh thành, ngân hàng Agibank đã đưa ra lãi suất cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tối đa chỉ có 4,5%/năm - thấp hơn nhiều so với các lĩnh vực khác và là mức thấp nhất từ trước tới nay...
Thời gian qua Agribank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch. Khách hàng vay vốn theo chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Agribank còn được miễn phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí quy định hiện hành của Agribank đối với chuyển tiền ngoài hệ thống Agribank…
Ngoài ra, Agribank đã cải tiến quy trình, rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng định mức cho vay cho khách hàng. Phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như về hạn mức vốn vay, tài sản thế chấp...
Agribank kiến nghị các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như hoàn thiện các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nhà nước cần ban hành quy định đối với việc thực hiện hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, trong đó nêu rõ chế tài đối với các bên tham gia nhằm hạn chế những rủi ro và đảm bảo sự bền vững trong liên kết của chuỗi giá trị nông sản; Đặc biệt là cần ban hành quy định về bảo hiểm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế những tổn thất, rủi ro. Có chính sách khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp; Tháo gỡ đến cùng việc thế chấp tài sản của các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi…
Ngoài ra, Nhà nước cần tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là đầu tư từ ngân sách nhà nước về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, các yếu tố đầu vào, trợ giá, có chính sách ưu tiên xây dựng các điểm phân phối hàng nông sản; Có chính sách khuyến khích việc ứng dụng công nghệ cao và có cơ chế tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách, các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi như các đơn vị thụ hưởng…
Minh Hoa