Thách thức cho kinh tế Nhật Bản khi COVID-19 trở lại

Mai Ly (TTXVN) 07:13 | 22/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Văn phòng Nội các Nhật Bản mới đây thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 2,2% trong giai đoạn từ tháng 4-6/2022, song các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế Nhật Bản thiếu động lực và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai.

Mặc dù GDP quý II/2022 tăng 0,5% so với quý trước đó, nhưng con số này lại thấp hơn kỳ vọng của thị trường. Dữ liệu chính thức cho thấy tăng trưởng của Nhật Bản trong quý này hoàn toàn dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước - lĩnh vực đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế. Trong quý II/2022, lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản, bao gồm cả ăn uống và lưu trú tại khách sạn, đã tăng tốc và tiêu dùng cá nhân tăng 1,1% so với tháng trước.

Về phía nhu cầu bên ngoài, xuất khẩu tăng trưởng tốt song nhập khẩu cũng tăng mạnh do giá các mặt hàng năng lượng và nguyên liệu tăng cao. Đầu tư thiết bị của các doanh nghiệp, một ngành trụ cột khác của tiêu dùng trong nước, tăng 1,4%.

Theo truyền thông và nhà phân tích Nhật Bản, tiêu dùng cá nhân vẫn chỉ tăng trưởng chậm chạp trong quý II mà không có sự phục hồi như mong đợi. Theo một cuộc khảo sát do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thực hiện, thu nhập thực tế của hộ gia đình trong quý II giảm 2% so với một năm trước đó, trong khi chi tiêu tiêu dùng thực tế giảm 0,7%.
Các chuyên gia lưu ý rằng thu nhập thực tế giảm ở Nhật Bản sẽ làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình trong bối cảnh giá cả tăng cao, và sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nhiều rủi ro từ trong và ngoài nước.
Giữa làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ bảy, quốc gia này đã ghi nhận 1.395.301 trường hợp mắc trong tuần từ 8/8 đến 14/8. Nhật Bản tiếp tục có số ca nhiễm hàng tuần cao nhất trên thế giới trong tuần thứ tư liên tiếp, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mặc dù chính phủ không có các biện pháp hạn chế hoạt động kinh tế, nhưng hoạt động tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng do tâm lý của người dân. Trong khi đó, nền kinh tế đang thiếu hụt lao động trầm trọng khi hàng trăm nghìn người nhiễm COVID-19 và những người tiếp xúc gần bị buộc phải ở nhà để cách ly. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các nhà máy và làm trầm trọng thêm những nút thắt trong nguồn cung.
Các nhà phân tích cũng lưu ý rằng nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái có thể làm xấu đi môi trường tăng trưởng của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống còn 3,2%, do sự hạ nhiệt nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Văn phòng Nội các Nhật Bản gần đây cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023) từ 3,2% xuống 2%, do rủi ro suy thoái của Mỹ có thể gây ra thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia lưu ý rằng các chính sách kinh tế và an ninh của Nhật Bản, mà Thủ tướng Fumio Kishida đang thúc đẩy mạnh mẽ, cũng có khả năng tạo ra những “làn gió ngược” cho nền kinh tế Nhật Bản trong tương lai khi một loạt các sắc lệnh đặc biệt của chính phủ tập trung vào luật an ninh kinh tế, có khả năng làm tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp.
Yasuhide Yajima, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu NLI lo lắng rằng chính quyền của ông Kishida sẽ "ưu tiên an ninh ngay cả khi phải trả giá bằng tăng trưởng kinh tế”./.