Thách thức lớn nhất trong phát triển Chính phủ số là thiếu vắng khuôn khổ pháp lý
Đánh giá này nằm trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy tiến trình Chính phủ điện tử ở Việt Nam một cách hiệu quả và thiết thực.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết quá trình thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước và đạt được những thành công nhất định.
Để tạo được những bước tiến lớn, nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định và quyết tâm chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử.
Từ tháng 12/2017, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá và xây dựng Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và dữ liệu mở.
Việc đánh giá mức độ sẵn sàng cho Chính phủ số nhằm xem xét tiềm năng phát triển Chính phủ số của Việt Nam thông qua đánh giá 7 lĩnh vực chính gồm: lãnh đạo và quản trị; lấy người dùng làm trung tâm; thay đổi quy trình công việc; năng lực, tập quán văn hóa và kỹ năng; cơ sở hạ tầng dùng chung; sử dụng dữ liệu để ra quyết định chính sách và an ninh mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi. Việc đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở tập trung vào thực trạng hệ sinh thái dữ liệu mở của quốc gia.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết để biến quyết tâm của cấp lãnh đạo cao cấp thành những kết quả trên thực tế đòi hỏi những thay đổi về luật pháp và những hành động cụ thể trong phạm vi toàn Chính phủ và xã hội.
Theo ông Achim Fock, Giám đốc điều phối hoạt động dự án tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, phát triển Chính phủ số đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam, giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao gồm các thách thức và cơ hội.
Phát hiện, khuyến nghị của báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng về Chính phủ số và dữ liệu mở sẽ giúp Việt Nam có nền tảng tốt hơn để phát triển. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển lĩnh vực số.
Kết quả nghiên cứu, khảo sát của Ngân hàng Thế giới thấy Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai Chính phủ số và dữ liệu mở với những cam kết chính sách đối với xu hướng chuyển dịch toàn cầu sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có được nền tảng vững chắc để phát triển sáng kiến dữ liệu mở và môi trường chính trị hiện tại có lợi cho việc khởi động một sáng kiến như vậy trong tương lai gần.
Chính phủ cũng rất năng động trong việc thử nghiệm các mô hình tài trợ mới sáng tạo như hợp tác công tư hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thực hiện xây dựng Chính phủ số, dữ liệu mở. Chính phủ đã áp dụng những tiến bộ kỹ thuật có tính nền tảng để phát triển Chính phủ số.
Một số bộ, ngành đã có sẵn một số dữ liệu đã được định dạng tiêu chuẩn phân ngành quốc tế để công bố. Một số cơ quan đã bắt đầu sử dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu, điện toán đám mây. Tuy nhiên, những hoạt động này còn mang tính đơn lẻ, trong khi còn chưa rõ về các tiêu chuẩn và chính sách liên quan đến một số lĩnh vực quan trọng như điện toán đám mây Chính phủ, quản lý dữ liệu Chính phủ…
Thách thức lớn nhất trong phát triển Chính phủ số và dữ liệu mở là sự thiếu vắng khung khổ pháp lý cho việc xây dựng, triển khai cũng như các văn bản điều phối và phối hợp giữa các cơ quan, sự chia sẻ thông tin thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu nội bộ dùng chung giữa các cơ quan đồng cấp và theo chiều dọc từ Trung ương xuống địa phương; sự quan tâm chưa đồng đều của các cấp lãnh đạo. Thêm vào đó là thách thức tới từ khó khăn tài chính cũng như kỹ năng công nghệ trong khu vực Nhà nước…
Quá trình đánh giá cũng cho thấy Chính phủ đã và đang thực hiện một loạt các giải pháp khác nhau để khắc phục những điểm yếu hiện tại.
Kết quả của Đánh giá ODDG và khuyến nghị về chương trình hành động sẽ là cơ sở tham khảo quan trọng để xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển số phù hợp cho Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết bước sang năm 2019, Chính phủ xác định phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” với 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành, trong đó cần chú trọng cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Những đánh giá và khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới trong triển khai Chính phủ số và dữ liệu mở sẽ giúp cho Việt Nam nhận thức rõ ràng những nhiệm vụ cần triển khai trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số./.