Thách thức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trước biến chủng Omicron khó lường

Anh Đào 08:00 | 07/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sự xuất hiện của biến thể mới có thể làm đảo lộn mọi kế hoạch phục hồi, tăng trưởng của các nền kinh tế. Các chuyên gia đề xuất cần sớm thông qua chương trình phục hồi, đồng thời nhanh chóng lên kịch bản ứng phó với Omicron.

 

Giữa lúc thế giới đang tự tin với kế hoạch đẩy nhanh tiêm vắc xin để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, một biến chủng mới mang tên Omicron xuất hiện làm chao đảo toàn cầu.

Chỉ sau 24h được phát hiện, Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngay lập tức đưa Omicron vào danh sách đáng lo ngại. Đây là biến chủng COVID-19 mang nhiều đột biến nhất được phát hiện cho đến nay, với 32 đột biến ở các protein gai. Protein gai là bộ phận của virus có chức năng kết hợp với tế bào trên cơ thể người để gây bệnh.

Trong lúc nhiều câu hỏi được đặt ra chưa tìm được câu trả lời như biến chủng Omicron liệu sẽ có tốc độ lây lan nhanh đến như nào, có kháng vắc xin hay không, nhiều lo ngại về kinh tế toàn cầu cũng hiện ra. Bloomberg nhận định biến chủng mới đang thay đổi những hy vọng lạc quan rằng kinh tế thế giới sẽ bước đi vững chắc vào năm 2022.

Với Việt Nam, nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn tồi tệ nhất với tăng trưởng âm sâu kỷ lục do ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 và mới bắt đầu những bước đi phục hồi đầu tiên.

Những tín hiệu tích cực từ việc số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 11 tăng mạnh, xuất siêu trở lại, nhiều điểm sáng đến từ hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu vực quan trọng làm tăng thêm kỳ vọng về con đường phục hồi, tăng trưởng của nền kinh tế.

Hầu hết các tổ chức và chuyên gia trong và ngoài nước đều nhận định kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ phục hồi mạnh với tăng trưởng ở mức cao, trong khoảng 6,5-7,5%.

Tuy nhiên sự xuất hiện của biến thể mới có thể làm đảo lộn mọi kế hoạch. Nhìn sang các nước, chỉ trong 1 tuần từ khi Omicron được xác định là biến thể mới, dù chưa rõ mức độ nguy hiểm, loạt biện pháp ứng phó đã nhanh chóng được áp dụng.

Nhật Bản mới tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài cho đến cuối năm nay. Australia hoãn kế hoạch cho phép sinh viên và công nhân lành nghề nhập cảnh vào nước này tới ít nhất ngày 15/12. Anh công bố lệnh cấm đi lại tạm thời với một số quốc gia, trong đó có Nam Phi và tái áp đặt quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại một số nơi công cộng. Indonesia cũng tăng thời gian cách ly đối với du khách từ 3 ngày lên 1 tuần.

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng mới. Tuy nhiên sư xuất hiện của Omicron có thể tác động phần nào đến kế hoạch mở lại đường bay quốc tế.

Thông tin mới nhất từ họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 2/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay biến chủng mới cũng là một yếu tố tác động tới việc mở đường bay quốc tế, các nước cũng sẽ xem xét thận trọng hơn.

Theo Thứ trưởng, kế hoạch ban đầu dự kiến đầu tháng 12 có thể mở một số đường bay nhưng do biến chủng mới cần rà soát và làm việc lại với các quốc gia để báo cáo Thủ tướng quyết định.

Trước việc nhiều nước trên thế giới nhanh chóng ứng phó với biến thể mới , câu hỏi đặt ra với Việt Nam là nếu Omicron xuất hiện và làm tình hình dịch sắp tới phức tạp hơn, việc phong tỏa, hạn chế đi lại diện rộng có được tái áp dụng, như trong đợt dịch thứ 4.

Về vấn đề này, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng Việt Nam sẽ không lặp lại những tình trạng vừa qua dù biến chủng mới xuất hiện. "Kinh nghiệm từ đợt dịch thứ 4 vừa qua sẽ giúp Việt Nam phòng dịch hiệu quả hơn, để không xảy ra tình trạng giãn cách xã hội quá mức, phong tỏa diện rộng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh".

Chuyên gia cũng ủng hộ cách ứng xử coi dịch bệnh là điều bình thường. Ông nói khi biến chủng mới xuất hiện, số F0 sẽ tăng đột biến và cần phải chấp nhận sự thật là thế giới còn phải đối mặt nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng khác ngoài Omicron.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long cũng không cho rằng kịch bản phong tỏa diện rộng sẽ xảy ra. Ông nhắc lại Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu rõ mục tiêu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể; tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19; địa phương chống dịch nhưng không được gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên nếu Omicron được xác định là có khả năng kháng vắc xin và lây lan với tốc độ mạnh hơn cả chủng Delta, ông nhận định mọi thứ sẽ khó khăn rất nhiều.

Trong kịch bản xấu biến chủng này có khả năng trốn miễn dịch, các loại vắc xin hiện có vô tác dụng dẫn đến các hãng dược phải đẩy nhanh nghiên cứu công thức mới ứng phó với Omicron, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung vắc xin sẽ lại hiện hữu. Và khi người dân không được bảo vệ đầy đủ trước virus, sẽ khó kiểm soát dịch bệnh, các chỉ số kinh tế sẽ bị kéo tụt và ảnh hưởng khi đó sẽ rất nặng nề.

"Kinh tế phát triển hay đi lùi phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Chỉ khi kiểm soát được dịch mới có cơ sở để hy vọng phục hồi kinh tế, nếu không, mọi thứ đều vô nghĩa", ông nhấn mạnh.

Nhận định về kịch bản kinh tế toàn cầu khi xuất hiện Omicron, Bloomberg cho rằng trường hợp xấu nhất có thể là các nước lại đóng cửa với nhau. Điều này sẽ đe dọa chuỗi cung ứng vốn đã căng thẳng và làm tổn hại đến nhu cầu đang phục hồi. Khả năng này cũng làm dấy lên lo ngại về sự kết hợp của một biến số kép giữa lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại.

Không chỉ các nước mà với cả Việt Nam, nguy cơ lạm phát sẽ càng rõ rệt nếu sắp tới có nhiều thông tin hơn về mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron.

Tại Việt Nam, vấn đề lạm phát cũng được đề cập đến nhiều suốt năm nay. Hồi cuối tháng 10, tại buổi tổng kết đánh giá công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát quý III/2021, kịch bản điều hành giá quý IV/2021, Thứ trưởng Bộ Tài chính bày tỏ quan ngại những áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, nhất là khi khủng hoảng năng lượng có thể trở nên trầm trọng, xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước lớn sẽ tác động toàn diện đến kinh tế thế giới và trong nước.

Gần nhất tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận áp lực lạm phát và áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới là rất lớn.

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đầu tháng 11, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng trong năm 2022, sức bật sản xuất, nhu cầu tiêu dùng, cộng với lượng cung tiền mạnh hơn thông qua việc thực hiện các biện pháp kích thích, hỗ trợ bằng tài khóa, tiền tệ sẽ tạo áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát.

Trước đó, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng từng cảnh báo về vòng luẩn quẩn mà nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào đó là tăng trưởng thấp, thâm hụt tài khóa (do phải chi nhiều, giảm thu), lạm phát cao (do phải tăng cung tiền để thích ứng), đình trệ sản xuất, hệ thống tài chính suy yếu,...

Trong báo cáo mới đây, IHS Markit cho biết áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, với cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng với mức độ cao nhất kể từ tháng 4/2011. IHS Markit cảnh báo vấn đề này cùng với tình trạng thiếu hụt lao động, dịch COVID-19 vẫn khó lường sẽ đe dọa quá trình phục hồi ngành sản xuất Việt Nam.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh yếu tố quan trọng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế là cần chuẩn bị kỹ các kịch bản gồm kịch bản chống dịch, ứng phó với biến chủng mới; kịch bản về dòng tiền; và kịch bản về lao động.

Liên quan đến kịch bản ứng phó dịch bệnh, ông Thành cho rằng Việt Nam đã có chiến lược rõ ràng theo tinh thần chống dịch đồng thời tạo điều kiện khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, ông cảnh báo mọi chiến lược đều tiềm ẩn rủi ro, riêng với dịch COVID-19 mang rủi ro xuất hiện biến chủng mới, khó lường như Omicron. Vì vậy theo ông, cần xây dựng một kịch bản quản trị rủi ro tốt, minh bạch, tạo tiền đề cho sản xuất kinh doanh.

Về nguồn lực để huy động cho chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, ông Thành cho rằng cần tiết kiệm chi thường xuyên và sử dụng một phần nào đó dự trữ ngoại hối để tạo nguồn lực, giúp tăng 1% GDP cho nền kinh tế, tương đương với 3,5 tỷ USD.

“Giả sử như nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% (từ 4 - 6%) thì chúng ta sau hai năm có thêm 7 tỷ USD", TS. Võ Trí Thành nói.

Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng giải pháp trước mắt cần kiểm soát chặt việc nhập cảnh, hạn chế nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập Việt Nam.

Ông đề xuất sớm thông qua chương trình phục hồi kinh tế để áp dụng ngay đầu năm 2022, tuy nhiên cần tránh những sau lầm của gói kích thích hồi năm 2008-2009 để không tái diễn tình trạng lạm phát tăng cao.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhắc lại những hạn chế, bất cập của gói kích thích năm 2008 -2009. Theo Bộ trưởng, khi đó, chính sách hỗ trợ có lãi suất lớn nhưng thiếu đồng bộ về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa khác làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách, tức là vay vốn rẻ rồi lại gửi ngân hàng khác để ăn hưởng chênh lệch. Vốn giá rẻ lại không chảy vào sản xuất, mà lại chảy vào chứng khoán, bất động sản.

Rút kinh nghiệm từ gói kích thích giai đoạn trước, Bộ trưởng thông tin gói phục hồi sắp tới sẽ có tính đến khả năng vay trả và hấp thụ của nền kinh tế. Việc hỗ trợ tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi. Hỗ trợ cho dòng tiền, ổn định tài chính và huy động các nguồn lực quốc tế khác. Đặc biệt là phải có sự kiểm soát về rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.

Từ khóa: #omicron