Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu của IMF cho biết nền kinh tế khu vực tăng trưởng 6,8% trong năm qua và sẽ đạt mức tăng 2,6% trong năm 2023, nhưng ít nhất là đến năm 2025 Mỹ Latinh mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch.
Nguyên nhân IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ Latinh trong năm nay là do triển vọng của các nền kinh tế lớn trong khu vực xấu đi, lạm phát leo thang và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, IMF ước tính kinh tế Brazil (Bra-xin) chỉ tăng trưởng 0,3% trong năm 2022, trong khi Mexico (Mê-hi-cô) sẽ tăng 2,8%, cả 2 con số này đều thấp hơn 1,2 điểm so với dự báo đưa ra vào tháng 10 năm ngoái.
Phát biểu tại họp báo, nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath nhận định các dự báo của Brazil và Mexico thể hiện sự sụt giảm “đáng kể” trong triển vọng tăng trưởng ở 2 trong số các đầu tàu kinh tế lớn nhất của Mỹ Latinh. Theo IMF, nguyên nhân là do “cuộc chiến chống lạm phát đã gây ra phản ứng tiền tệ mạnh mẽ, điều này tạo áp lực đè nặng lên nhu cầu trong nước”.
Một ngày trước đó, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) cho biết năm 2021 mức lạm phát chung của khu vực là 7,2%, không kể các nước có lạm phát kinh niên như Argentina (Ác-hen-ti-na), Suriname (Su-ri-nam) và Vênzuela (Vê-nê-xu-ê-la).
Trong đó, tỉ lệ lạm phát ở Brazil là trên 10%, Mexico và Chile (Chi-lê) là trên 7%, khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất trước áp lực lạm phát.
Bà Gopinath cũng chỉ ra các yếu tố khác khiến triển vọng tăng trưởng xấu đi trong năm nay. Đối với Brazil, tăng trưởng chậm lại cũng tương ứng với việc nền kinh tế trở lại mức tăng “bình thường hơn” sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái, và giá cả cũng như xuất khẩu “điều tiết lại”. Còn đối với Mexico, nhà kinh tế trưởng của IMF chỉ ra rằng tăng trưởng cuối năm 2021 “thấp hơn dự kiến”, đặc biệt là do những khó khăn của chuỗi cung ứng toàn cầu do biến thể Omicron gây ra, và tình trạng này sẽ kéo dài sang năm nay.