Thẩm tra dự án sửa đổi Luật Dầu khí

Vi Văn Di 16:22 | 31/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 31/3, Ủy ban Kinh tế tiến hành Phiên toàn thể lần thứ 5, thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Tham dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện một số bộ ngành, Ủy ban Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ…

Mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương ông Nguyễn Sinh Nhật Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Theo Tờ trình, Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, hoạt động dầu khí trong thời gian qua đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, trong đó có vướng mắc do một số đòi hỏi đặc thù của hoạt động chưa được quy định cụ thể tại Luật Dầu khí hiện hành, các văn bản hướng dẫn thực hiện. Do vậy, xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, Tờ trình của Chính phủ khẳng định, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) là rất cần thiết.

Theo Tờ trình, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết; bảo đảm tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cũng như thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Điểm nổi bật của dự án Luật này là quy định 6 nhóm chính sách, nhằm bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; điều tra cơ bản, trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí; thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi; chính sách ưu đãi đầu tư; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán… Trong đó, quy định cụ thể mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp, thuế suất xuất khẩu dầu thô, tỷ lệ thu hồi chi phí, nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân vào lĩnh vực này.

Các đại biểu tham dự phiên họp tán thành sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất với các luật mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong thời gian qua có liên quan đến hoạt động dầu khí; phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí trên thế giới; luật hóa một số quy định tại văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí hiện hành đã cho thấy tính hợp lý. Các đại biểu cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị công phu, đầy đủ, đáp ứng cơ bản các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Ảnh ĐBND

Nhiều ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo phải rà soát lại quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (Điều 4, dự thảo Luật). Trong đó, một số ý kiến chỉ ra các điểm chưa thống nhất giữa dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu hiện hành; đề nghị, Chính phủ làm rõ và có quan điểm nhất quán về việc áp dụng pháp luật trong trường hợp có quy định khác nhau giữa các luật, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dù dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) là luật chuyên ngành, mang tính kỹ thuật cao, song đã thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đại diện hiệp hội, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật, cũng như có báo cáo giải trình cụ thể về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: việc quy định cụ thể nội dung chính của hợp đồng dầu khí; quy trình phê duyệt hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; thời hạn và việc gia hạn thời hạn hợp đồng; địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong các hợp đồng dầu khí…