Thành Đạt (DTD) báo lãi ròng quý I/2023 cao kỷ lục, triển vọng từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng

Thùy Dương 13:45 | 05/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mới đây, CTCP Đầu tư Phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với kết quả tăng trưởng vượt trội cả về doanh thu và lợi nhuận. Chứng khoán Bản Việt nhận định doanh thu cho thuê cơ sở hạ tầng của DTD năm nay tiếp tục là động lực thúc đẩy lợi nhuận doanh nghiệp.

Ngày 28/4, Thành Đạt công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh quý I khởi sắc bất chấp những khó khăn chung của ngành.

Theo đó, doanh thu quý I của doanh nghiệp ghi nhận đạt 458 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ quý I/2022. Lãi ròng cũng ghi nhận cao nhất kể từ năm 2016 (giai đoạn DTD mới chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần) với 198 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 23 lần so với cùng kỳ và gần 25 lần so với thời điểm mới niêm yết trên sàn chứng khoán (ngày 16/11/2017).

 

Theo ban lãnh đạo, mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng hơn 377 tỷ đồng, tương ứng 464,87% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, công ty con của DTD là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn III tỉnh Hà Nam đã đạt được thỏa thuận cho thuê mặt bằng tại KCN Đồng văn III - Giai đoạn 2 với đối tác, dẫn đến doanh thu cho thuê cơ sở hạ tầng và quản lý tăng mạnh. 

Trước đó, DTD đã lần lượt công bố báo cáo thường niên 2022 và kế hoạch kinh doanh 2023. Theo đó, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay đạt 700 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ (svck), lãi ròng dự báo thận trọng ở mức 150 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với năm ngoái.

Ngoài ra, công ty đã thông qua quyết định tăng vốn điều lệ từ 429 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng theo phương án tăng vốn mới dự kiến tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Bên cạnh đó, DTD sẽ thực hiện tái cấu trúc hoạt động, chuyển dịch trọng tâm về ngành nghề cốt lõi của công ty là xây dựng, xây lắp công trình và hạ tầng.  

Trong năm 2022, ngành xây lắp nói chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô. Doanh thu DTD đạt 582 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 83% chỉ tiêu doanh thu kế hoạch, lãi ròng đạt 103% so với kế hoạch đề ra.

 

Dự báo doanh thu cho thuê cơ sở hạ tầng tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận năm 2023

Theo báo cáo triển vọng doanh nghiệp mới nhất của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), mặc dù hoạt động kinh doanh truyền thống của DTD là xây lắp, nhưng doanh thu từ cho thuê cơ sở hạ tầng đóng góp tới 60% trong năm 2022, tiếp theo là bán xăng dầu (15%), xây lắp (12%) và các mảng khác (13%).

Trong năm 2023, VCSC dự báo doanh thu từ cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của DTD, đặc biệt khi tỉnh Hà Nam đang trở thành địa điểm thu hút đầu tư tại miền Bắc. (DTD là 1 trong những công ty xây dựng hàng đầu tại tỉnh Hà Nam).

Tính đến cuối 2022, DTD còn khoảng 30ha để cho thuê của khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn 3 - Giai đoạn 1 & 2 tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Các chuyên gia kỳ vọng phần diện tích này sẽ được cho thuê hết vào cuối năm 2023.

Theo đó, 16 ha đã được đảm bảo cho Công ty TNHH Insight Leitch Việt Nam thuê. Theo ban lãnh đạo, DTD đã ký hợp đồng với Insight Leitch Việt Nam (công ty phát triển nhà xưởng xây sẵn có trụ sở tại Singapore) vào cuối năm 2022 với tổng giá trị cho thuê là 411 tỷ đồng và thời gian thuê đến năm 2069. Do hợp đồng này đã được thanh toán đầy đủ trong quý I vừa qua, VCSC kỳ vọng DTD sẽ ghi nhận khoản doanh thu này trong năm 2023. Trước đó, năm 2020, DTD thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu đối với hoạt động cho thuê cơ sở hạ tầng từ ghi nhận doanh thu phân bổ dần theo thời gian sang ghi nhận một lần tương ứng với số lần nhận trước.

Ban lãnh đạo dự kiến 14ha còn lại sẽ được cho thuê hết vào năm 2023 với giá ước tính 90-100 USD/m2. Các chuyên gia đánh giá mục tiêu này là khả thi nhờ tiềm năng tỉnh Hà Nam trở thành địa điểm đến thu hút đầu tư tại miền Bắc. KCN Đồng Văn 3 cũng có những lợi thế cạnh tranh như vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cơ sở hạ tầng phát triển và sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng địa phương.

Cùng đó, cảng biển Yên Lệnh Bắc - Giai đoạn 1 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Nhóm phân tích VCSC cho rằng cảng biển này sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu vận tải đường thủy nội địa (IWT) ngày càng tăng ở miền Bắc, đặc biệt sau khi Hải Phòng cắt giảm 50% phí hạ tầng cảng biển đối với IWT.  

 

Hà Nam: Nhà đầu tư đặt niềm tin, tăng vốn mạnh

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, năm 2022, tỉnh thực hiện cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn 175 triệu USD; điều chỉnh 40 dự án FDI (bằng 200% so với cùng kỳ năm 2021: 20 dự án), tổng vốn đầu tư tăng thêm 396,7 triệu USD (bằng 231,3% so với năm 2021: 171,5 triệu USD). Các doanh nghiệp FDI giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 60.000 lao động; nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 triệu USD trong năm.

Số dự án và số vốn điều chỉnh tăng thêm của nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nam năm 2022 tăng mạnh so với năm 2021 cho thấy, nhà đầu tư đã và đang đặt niềm tin, tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh vào địa phương này. Một số dự án điều chỉnh tăng vốn lớn gồm: Dự án Nhà máy YKK Hà Nam của Công ty TNHH YKK Việt Nam - Chi nhánh Hà Nam (Nhật Bản) tăng 80 triệu USD; Dự án Thiết kế, phát triển, sản xuất và chế biến các sản phẩm truyền thông không dây của GEMTEK Việt Nam của Công ty TNHH Gemtek Việt Nam (Đài Loan, Trung Quốc) tăng 90 triệu USD...

Những năm gần đây, Hà Nam được ghi nhận ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, với lợi thế lớn về vị trí địa lý, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Hà Nam có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi với lợi thế sẵn có là Quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, Quốc lộ 38, Quốc lộ 21 và tuyến đường sắt Bắc – Nam... Tỉnh cũng có quỹ đất công nghiệp sạch, nguồn lao động dồi dào, có tay nghề; công tác an ninh trật tự được bảo đảm; hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ... Mạng lưới các khu công nghiệp Hà Nam được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được yêu cầu phát triển dài hạn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh lợi thế sẵn có, theo nhiều nhà đầu tư, các chính sách thu hút đầu tư của Hà Nam được thực hiện khá đồng bộ, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, chính sách nhất quán và chiến lược phát triển bền vững của tỉnh.