Thanh Hóa: Bí thư Ngọc Lặc nói gì về chủ trương đầu tư 240 tỷ làm đường hỗ trợ dự án của Tập đoàn Xuân Thiện?

16:00 | 03/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi Doanh nhân Việt Nam phản ánh về việc huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) thông qua chủ trương đầu tư 240 tỉ từ ngân sách làm đường phục vụ dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Để cung cấp cái nhìn đa chiều về vụ việc, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ngọc Lặc về chủ trương này.

Ngọc Lặc có xé rào?

 Như Doanh nhân Việt Nam đã thông tin, hạ tuần tháng 8, Hội đồng nhân dân huyện Ngọc Lặc đề xuất của UBND huyện chủ trương đầu tư 240 tỉ từ ngân sách nhà nước để làm đường dân sinh kết hợp phục vụ dự án chăn nuôi lợn của tập đoàn Xuân Thiên tại một số xã trên địa bàn.

Tuy nhiên, Sở KHĐT Thanh Hóa cho rằng: Việc sử dụng "nguồn thu của tập đoàn Xuân Thiện nộp vào ngân sách" để thực hiện dự án hệ thống giao thông đầu tư phát triển kinh tế kết hợp dân sinh với cụm công nghiệp Xuân Thiện trên địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa là không phù hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Mặt khác, đối với các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đã được UBND tinh chấp thuận (Quyết định số 1442 / QĐ-  UBND ngày 04/5/2021 Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 04/5/2021; Quyết định số 1444/QĐ-UBND ngày 04/5/2021) tại Khoản 1 Điều 2 về trách nhiệm của nhà đầu tư đều quy định "nhà đầu tư hợp tác với UBND huyện Ngọc Lặc để thỏa thuận đầu tư xây dựng đường vào dự án và các đường dân sinh nằm trong phạm vi thực hiện dự án phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch của địa phương; kinh phí  đầu tư xây dựng các đường do nhà đầu tư bảo đảm và không yêu cầu Nhà nước hoàn trả trả trong bất kỳ trường hợp nào”.

Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa kết luận: Việc đầu tư các tuyến đường phục vụ hoạt động các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư trên địa bàn huyện Ngọc Lặc thuộc trách nhiệm của tập đoàn này.

Phối cảnh dự án của Tập đoàn Xuân Thiện

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc cho biết: Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện có thể nói là dự án lịch sử trên địa bàn huyện với quy mô đầu tư lên tới 23.000 tỉ. Sau khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án sẽ sản xuất mỗi năm 180.000 tấn sản phẩm từ thịt lợn; 50.000 tấn sản phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600.000 tấn phân vi sinh hữu cơ; hình thành tổng đàn lợn 67.500 lợn nái và cung cấp 1,5 triệu con lợn thịt/năm.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đạt doanh thu 38.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, sẽ thu hút khoảng 1.000 lao động với việc làm ổn định. Quan trọng hơn, các nhà máy thuộc khu liên hợp sẽ thu mua số lượng lớn nông sản của người nông dân địa phương để phục vụ chế biến nước trái cây, trái cây ép dẻo, sấy, mứt các loại và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua đó, tạo thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân… từ đó, đưa huyện miền núi còn nhiều khó khăn Ngọc Lặc thành điểm sáng của cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Hướng tới mục tiêu sản xuất bền vững, ổn định, nhà đầu tư đã lựa chọn các khu thung lũng, biệt lập ngăn cách với bên ngoài bằng các dãy núi, đồi cách xa khu dân cư để xây dựng khu chăn nuôi, chế biến thức ăn… Ngoài ra, chuỗi dự án đều được sử dụng công nghệ cao 4.0 tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng công nghệ sinh học trong tất cả các công đoạn của khu liên hợp. Mục đích nhằm tận dụng hết phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, làm nguyên liệu đầu vào trong sản xuất một số sản phẩm thuộc các tiểu dự án khác, tạo nên sự thân thiện với môi trường và tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.

Nói về mục đích đầu tư hai tuyến đường trên, UBND huyện Ngọc Lặc cho rằng đầu tư dự án này, vào thời điểm này là cần thiết, đối tượng hưởng lợi ngoài nhà đâu tư còn là 30.000 người dân sở tại. Hơn nữa, đối với một dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đem lại cơ hội việc làm, tiêu thụ sản phẩm và tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Việc hỗ trợ hạ tầng giao thông đến chân hàng rào dự án là bình thường và cần thiết. Phù hợp với chính sách chung của tỉnh về hỗ trợ, ưu đãi nhà đầu tư, nhất là đầu tư dành cho sản xuất nông nghiệp thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn và miền núi.

Cũng về vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm “Chủ trương đầu tư tuyến giao thông dân sinh, kết hợp hỗ trợ cụm công nghiệp Xuân Thiện tại Ngọc Lặc là cần thiết, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa và thu hút đầu tư”.

Ông Tuấn thông tin thêm, Ban thường vụ Huyện ủy xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi tất yếu để xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững của huyện. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, để phát triển nhanh và bền vững, lãnh đạo huyện phải chọn cách đi “đột phá”, đôi khi phải “xé rào” để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư.

Ông lấy ví dụ, Ngọc Lặc là huyện đầu tiên tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư. Đây là việc làm chưa có tiền lệ bởi việc tổ chức hội nghị này thường do cấp tỉnh chủ trì. Tuy nhiên, thực tế chứng minh việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư do huyện tổ chức đã có sức lan tỏa rộng và đã thu được những “trái ngọt đầu mùa” đáng để kì vọng.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư dự án và quy trình đầu tư, ông Tuấn khẳng định: Theo Luật Đầu tư công, đối với dự án đầu tư thuộc ngân sách của huyện, thì huyện có toàn quyền quyết định, tất nhiên là trên cơ sở xem xét, nghiên cứu, đánh giá toàn diện về lợi ích mà dự án đem lại, cùng với nhu cầu giao thông, đi lại của người dân. Về bố trí nguồn vốn cho dự án, kinh phí làm đường sẽ được lấy chủ yếu từ nguồn khai thác quỹ đất và số vượt thu từ thuế. Dự án sẽ kéo dài trong 5 năm nên huyện đã tính toán, cân nhắc và xây dựng phương án giải ngân theo giai đoạn một cách phù hợp. Do đó, việc đầu tư nguồn vốn cho dự án sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động khác trên địa bàn.

Cách làm riêng của Ngọc Lặc

Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn cho biết, Ngọc Lặc là một huyện miền núi còn nghèo. Hàng năm, ngân sách tỉnh vẫn phải hỗ trợ hơn 90% cho các nhiệm vụ chi thường xuyên và đầu tư phát triển. Vì thế, để chọn hướng đi cho huyện phải tìm những lĩnh vực mang tính “đột phá”. Nếu chỉ tăng năng suất lúa, ngô hay cải tạo giống luồng trên địa bàn thì không thể giải quyết được bài toán phát triển. Vì thế, câu hỏi làm sao để đưa Ngọc Lặc phát triển nhanh và bền vững là câu hỏi thường trực đặt ra với đội ngũ lãnh đạo huyện. Ban thường vụ Huyện ủy xác định, chỉ có đi thẳng vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những cánh đồng lớn, trang trại lớn, kết hợp với những nhà đầu tư ‘cá mập’ thì mới có cơ hội để thay đổi bức tranh kinh tế chung của huyện nhà. Tuy nhiên, nếu chỉ “ngồi im’’, chỉ thông qua kế hoạch, nghị quyết để chờ nhà đầu tư tìm đến thì mục tiêu đó rất khó trở thành hiện thực. Vì thế, Ban thường vụ huyện ủy chủ trương phải trực tiếp gặp gỡ, kêu gọi, thậm chí ‘trải lòng” để các nhà đầu tư tìm đến để khai phá mảnh đất giàu tiềm năng nhưng chưa được đánh thức này.

Trụ sở HĐND- UBND huyện Ngọc Lặc

Đầu tiên, huyện đã "xé rào" tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và thu được những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có thể đón được “cá mập”, “đại bàng” tìm đến xây tổ thì như thế là chưa đủ. Vì thế, ông và lãnh đạo huyện đã trực tiếp tìm đến “gõ cửa” những doanh nghiệp lớn đang có ý định, có kinh nghiệm đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn. Ông Tuấn cho biết ông đã đích thân tìm đến tập đoàn Dabaco, Hòa Phát… trước khi “kết duyên” cùng Tập đoàn Xuân Thiện.

Ông Tuấn thông tin, sau khi gặp gỡ lãnh đạo Tập đoàn Xuân Thiện, ông vừa hy vọng nhưng cũng hết sức lo lắng. Bởi nhiều địa phương cũng đang trải thảm đỏ mời gọi Tập đoàn này đầu tư với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, sau khi gặp gỡ ông nhận được điện thoại từ chủ tịch tập đoàn thông báo sẽ về Ngọc Lặc khảo sát, tìm hiểu. Bên cạnh lợi thế về địa lý, đất đai và chính sách ưu đãi thì sự cầu thị, chân thành, tâm huyết của lãnh đạo địa phương đã tạo nên “mối lương duyên” giữa Ngọc Lặc và Xuân Thiện. Ngay như việc huyện chủ trương đầu tư tuyến đường 240 tỉ hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là cách quảng bá cho những nhà đầu tư thấy được quyết tâm của địa phương.

Không chỉ dự án của Xuân Thiện, huyện còn liên kết với Học viện Nông nghiệp, các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam và các nhà khoa học nông nghiệp đến từ Isael để quy hoạch, tìm hướng đi đột phá cho các dự án nông nghiệp chất lượng cao. Ông Tuấn chia sẻ, nếu Ngọc Lặc chọn cây có múi để phát triển thì không thể cạnh tranh được với cam Cao Phong, cam Vinh. Còn chọn nhãn lồng, vải thiều thì làm sao có thể cạnh tranh với Hưng Yên, Bắc Giang. Chính vì vậy chọn ra một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thể đi vào thị trường thế giới, có đủ sức cạnh tranh là một bài toán hóc búa. Tuy nhiên, với sự tư vấn của các nhà khoa học trong và ngoài nước, huyện đã tìm ra 2 loại nông sản phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và có giá trị kinh tế cao. Đó là cây vải không hạt và cây bơ 4 mùa. Bước đầu, những loại sản vật quý này đã được trồng thử nghiệm và cho kết quả tốt. Huyện sẽ kết hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia thị trường đánh giá cẩn thận về hiệu quả trước khi nhân rộng, trở thành cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao của huyện nhà.

Kết thúc buổi làm việc, ông Tuấn khẳng định, việc chi ngân sách 240 tỉ làm đường dân sinh kết hợp hỗ trợ cụm dự án của Tập đoàn Xuân Thiện có thể vẫn có những ý kiến trái chiều nhưng đó là chủ trương phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và tuân thủ đúng quy định của Luật đầu tư công. Về nguồn vốn đầu tư dự án huyện sẽ có kế hoạch phù hợp để tuân thủ Luật ngân sách nhà nước và không ảnh hưởng đến các nguồn vốn đầu tư khác trên địa bàn. Đồng thời ông Tuấn cũng khẳng định, Ngọc Lặc sẽ chọn “cách làm riêng’’, đôi khi có thể “xé rào” nhưng tất cả những quyết định đó đều tuân thủ quy định của luật pháp, được cân nhắc kĩ lưỡng và đảm bảo sự phát triển toàn diện của địa phương.