Vì sao Thanh Hóa dẫn đầu khu vực miền Trung về thu hút vốn FDI?

Song Khánh 09:41 | 30/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông tin từ Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/8/2021, trên địa bàn các tỉnh miền Trung hiện có 2.151 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 60,77 tỷ USD.

Thanh Hóa thu hút hơn 14 tỉ đô

Trong đó, Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đăng ký của cả khu vực.

Sau Thanh Hoá, Hà Tĩnh có 79 dự án, vốn đầu tư 11,74 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn đăng ký. Quảng Nam ở vị trí thứ 3 với 223 dự án, vốn đăng ký 6,07 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đăng ký...

Quy mô vốn bình quân 1 dự án FDI của miền Trung đạt 28,25 triệu USD, cao hơn quy mô vốn bình quân chung của cả nước (11,75 triệu USD). Tổng vốn FDI của khu vực miền Trung hiện nay chiếm khoảng 15,16% tổng vốn FDI của toàn quốc.

Tại miền Trung, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 839 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 31,74 tỷ USD, chiếm 52,2% tổng vốn đăng ký. Sản xuất, phân phối điện thu hút được 43 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 10,02 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 109 dự án, tổng vốn đăng ký 9,91 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đăng ký. Còn lại là các ngành khác như dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí…

Đến nay, có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại các tỉnh miền Trung. Trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với 335 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,79 tỷ USD. Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ hai với 141 dự án và 12,01 tỷ USD vốn đăng ký. Đứng thứ ba là Singapore với 105 dự án, vốn đăng ký 8,52 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc, British Virgin Islands... có số vốn dầu tư lớn vào khu vực miền Trung.

Vì sao Thanh Hóa dẫn đầu khu vực?

Nhiều lĩnh vực thiết yếu, đang là xu hướng phát triển hiện nay như công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu, sắt thép... đều có mặt ở khu vực miền Trung, nhất là tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và một số khu công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Đây là những dự án có sự đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh, cũng hứa hẹn góp phần giúp tỉnh giải quyết bài toán lao động hồi hương do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thành công này là kết quả của quá trình tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai quy hoạch, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực. Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã tạo ra xung lực, được ví như “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Đó chính là những điều kiện để thu hút các nhà đầu tư đến với Thanh Hóa. Điều kiện cần trong bối cảnh hiện nay đó là công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 phải hiệu quả, thì nhà đầu tư mới yên tâm, gắn bó.

Trong những năm gần đây, nhất là giai đoạn 2011-2020, được sự quan tâm của Trung ương, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Nền kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ước tính, năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới 49,3%, dịch vụ chiếm 31,5%, nông nghiệp chiếm 10%. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng đột biến và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,53 triệu đồng, gấp 4,3 lần năm 2010 và gấp 1,76 lần năm 2015.

Điều kiện kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư tại Thanh Hóa đang được cải thiện rõ rệt. Trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,5%; trong đó, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện. Cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, trong đó nổi bật là nguồn vốn FDI. Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.122 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 110.000 tỷ đồng và 3,85 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước, với 129 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 14,2 tỷ USD.

Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2

Đột phá rõ rệt trong tăng trưởng của tỉnh là lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, với giá trị tăng trưởng bình quân 15%/năm, đưa Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu về phát triển công nghiệp và xuất khẩu ở khu vực Bắc Trung bộ. Với việc đưa một số cơ sở công nghiệp mới, có quy mô lớn đi vào hoạt động như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn I, Nhà máy Xi măng Long Sơn, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy I, Nhà máy Xi măng Công Thanh, các dự án may mặc, giày da... đã tăng đáng kể năng lực công nghiệp của tỉnh những năm gần đây. Cùng với sự phát triển trên lĩnh vực công nghiệp với các mặt hàng sản xuất ngày càng đa dạng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tỉnh tăng nhanh, đưa Thanh Hóa về đích trước chỉ tiêu quy mô giá trị xuất khẩu hàng hóa so với mục tiêu nhiệm kỳ. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ về tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Đón thêm đại bàng về xây tổ

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chung xây dựng khu công nghiệp (KCN) Phú Quý tại các xã Hoằng Kim, Hoằng Trinh, Hoằng Sơn, Hoằng Quý, Hoằng Xuyên, Hoằng Cát và Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa. Nguồn vốn lập quy hoạch do Công ty WHA Industrial Development PCL (gọi tắt là Công ty WHA, Thái Lan) tài Quy mô lập quy hoạch dự án là 733 ha. Phía bắc giáp đường hiện trạng tiếp đến là đất sản xuất nông nghiệp xã Hoằng Trinh, Hoằng Kim; phía nam giáp đường giao thông Quỳ Xuyên (đang triển khai thi công) và cụm công nghiệp Phú Quý; phía tây giáp hành lang an toàn đường sắt, tiếp đến là Quốc lộ 1; phía đông giáp đất nông nghiệp các xã Hoằng Sơn, Hoằng Xuyên và Hoằng Cát.

KCN Phú Quý được định hướng là khu công nghiệp, cụm công nghiệp sạch đa ngành, ưu tiên các loại hình công nghiệp sạch, công nghệ cao, hướng đến công nghiệp 4.0; may mặc, da giày; chế biến rau quả, nông sản, chế biển thủy hải sản kết hợp phát triển nông nghiệp...

Trước đó, tháng 12/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký kết biên bản ghi nhớ với đại diện lãnh đạo Công ty WHA về đầu tư hạ tầng phân khu công nghiệp của KCN - đô thị - dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800 ha tại huyện Hoằng Hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp và tỉnh Thanh Hóa cũng ký biên bản ghi nhớ đầu tư dự Đầu tư xây dựng hạ tầng KCN số 21 quy mô 539 ha, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn. Tổng mức đầu tư dự kiến của 2 dự án khoảng 335 triệu USD.

Tập đoàn WHA Corporation PCL là nhà phát triển bất động sản KCN, logistics tích hợp tiện ích và năng lượng tại Thái Lan và là nhà cung cấp hạ tầng kỹ thuật số với quy mô tổng tài sản 4,4 tỷ USD. Các KCN của tập đoàn tại Thái Lan được thực hiện bởi công ty con của Tập đoàn là Công ty WHA. Tại Việt Nam, Tập đoàn WHA cũng đang triển khai xây dựng KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An (huyện Nghi Lộc). Dự án thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, được chia thành 7 giai đoạn. Dự án được khởi công từ tháng 3/2018 với quy mô hơn 3.200 ha và tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng. Đây cũng là KCN đầu tiên của tập đoàn này tại Việt Nam.