Thanh Hóa: CĐM xôn xao clip 3 nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn

11:36 | 24/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gầy đây trên mạng xã hội một clip có độ dài hơn 1 phút ghi lại cảnh 3 nữ sinh đánh 1 bạn trên lớp xảy ra trên địa bàn huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã khiến dư luận xôn xao.

Theo nội dung clip, ban đầu nhóm nữ sinh bắt bạn gái đứng khoanh tay xin lỗi. Sau đó 3 nữ sinh này xông vào túm tóc, đấm đá, túi bụi vào bạn nữ chỉ biết chịu trận. Vừa đánh 3 nữ sinh này vừa mạt sát, chửi bới, đe dọa rất thô tục, hung hãn.

Sau đó một nữ sinh trong nhóm cầm mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu, mặt nạn nhân. Bên cạnh 3 nữ sinh này còn nhiều bạn khác vây quanh, bình luận, cổ vũ. Có một bạn nữ đứng ngoài can ngăn nhưng bị kéo ra.

Chỉ đến khi có một người “chỉ đạo” chỉ hành hung bằng tay, không được dùng mũ đánh người thì 3 nữ sinh này mới dừng lại. Từ đầu đến cuối, nạn nhân hầu như không thể phản kháng, tự vệ lại trước sự áp đảo về số đông và mức độ côn đồ của nhóm nữ sinh ngổ ngáo này.

Clip ghi lại cảnh 3 nữ sinh đánh 1 bạn trên lớp

Khi được tung lên mạng, đã có rất nhiều bình luận lên án hành vi côn đồ của nhóm nữ sinh này. Đa phần các ý kiến đều tỏ rõ mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, có biện pháp răn đe, giáo dục để những hành vi này không còn tái diễn trong tương lai.

Theo xác minh của của phóng viên, cả nạn nhân và các đối tượng hành hung đều là học sinh tại một trường THPT trên địa bàn thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa. Sự việc xảy ra vào hồi 10h30 ngày 26/5/2021 tại khu vực đồi mía, gần phố Cầu Chui trong thị trấn. nạn nhân là nữ sinh đang học lớp 12, đang chuẩn bị bước vào kì thi quốc gia. Còn 3 nữ sinh đóng vai “chị Đại” đang học khối 11 cùng trường. Nguyên nhân sự việc do xích mích với nhau khi tham gia mạng xã hội facebook. Được biết, nhóm đối tượng này đã 4 lần đón đường hành hung nạn nhân nhưng đây là lần đầu tiên vụ việc được một bạn ghi lại và tung lên mạng xã hội.

Liên quan đến việc nói riêng và tệ nạn bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội thời gian vừa qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ giáo dục học Hồ Quang Hòa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế giới trong ta, Trung ương Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.

Thanh Hóa: CĐM xôn xao clip 3 nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn - ảnh 1

Tiến sĩ giáo dục học Hồ Quang Hòa

Dưới góc độ giáo dục học, ông có thể cho biết nguyên nhân vấn nạn học đường xảy ra liên tiếp gần đây được ghi lại và phát tán lên mạng xã hội. Trong vụ việc này, các bạn nữ đã hành hung một bạn cùng trường nhiều lần là vì sao?

TS Hồ Quang Hòa: Trước hết có thể thấy rằng, trong bất kỳ môi trường xã hội (môi trường học đường là một thành phần của môi trường xã hội) nào cũng xuất hiện những vụ việc bạo lực. Bạo lực học đường thường xảy ở bậc THCS và THPT (lứa tuổi từ 12-18 tuổi). Nguyên nhân chủ yếu được các nhà nghiên cứu khái quát lại: nguyên nhân chủ quan là từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi thanh thiếu niên. Nguyên nhân khách quan có thể kể đến như: sự sát sao, hiệu quả của công tác giáo dục trong nhà trường, nguyên nhân từ văn hóa gia đình và môi trường sống xung quanh các em.

Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến sự phát triển quá nhanh của internet và các thiết bị truyền thông. Đây là “điều kiện đủ” để các em có thể phát tán các clip lên mạng như một chiến tích hoặc để “dằn mặt” nạn nhân và những đối tượng đang “nằm trong tầm ngắm”. Trong clip này, chúng ta thấy bạn nữ đã bị một nhóm bạn đánh hội đồng ngay gần nhà mình. Đặc biệt, đây là lần thứ 4 nữ sinh này bị đánh bởi cùng một nhóm đối tượng. Nguyên nhân có thể các lần trước nữ sinh bị đánh không báo cáo vụ việc với thầy cô giáo, gia đình và thậm chí là chính quyền. Theo tôi, có thể điều đó đã khiến nhóm bạn kia ngày càng lấn tới với mức độ nghiêm trọng hơn (lần bị đánh thứ 4, nữ sinh đã phải đi viện cấp cứu) vì nghĩ rằng nữ sinh giấu kín chuyện, không dám báo với nhà trường, gia đình và chính quyền. Việc nữa sinh bị đánh tới 4 lần có thể do mâu thuẫn giữa nữ sinh này với nhóm kia chưa được giải quyết.

Vậy thì, phải làm sao để chấm dứt tình trạng này? Vai trò của giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội có ý nghĩa như thế nào?

Tiến sĩ Hồ Quang Hòa: Để chấm dứt tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư số 31, ngày 18/12/2017 về thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường. Một trong những nội dung tư vấn là giáo dục kĩ năng ứng xử, phòng chống bạo lực và xâm hại; tư vấn giải quyết các vấn đề phát sinh trong mối quan hệ với gia đình, thầy cô, bạn bè…Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa làm tốt theo tinh thần của Thông tư. Việc thành lập các tổ tư vấn (tham vấn) trong nhà trường chỉ mang tính hình thức, giáo viên còn kiêm nhiệm và chưa được học tập bồi dưỡng về nghiệp vụ, kĩ năng tư vấn cho học sinh. Mặt khác, chúng ta có Thông tư hướng dẫn nhưng chưa có cơ chế cho những người làm nhiệm vụ này. Thậm chí, một số người đi học nghiệp vụ tư vấn còn phải tự bỏ tiền túi (tạm ứng để học) và khi về trường phổ thông triển khai thì không được coi trọng đúng mức.

Vấn đề phổ biến pháp luật đến học sinh (thông qua môn Giáo dục công dân) còn mang tính hàn lâm, rất hạn chế về minh chứng dẫn đến các em học sinh liên tiếp vi phạm pháp luật mà không biết. Ví dụ như việc đánh bạn (hành vi nguy hiểm khi lặp lại nhiều lần, đánh có tổ chức) là vi phạm pháp luật. Tiếp theo, các em lại phát tán clip lên mạng là vi phạm thứ hai. Như vậy cùng một lúc các em vi phạm pháp luật hai lần nhưng cứ vô tư làm.

Cần làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa các yếu tố: gia định – nhà trường – xã hội trong việc giáo dục học sinh. Bản chất của hoạt động giáo dục là tổ chức để “học sinh được sống trong môi trường giả định”. Thông qua đó để hình thành kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng ứng xử cho học sinh theo chuẩn mực đạo đức xã hội. Những nhà giáo dục cần mạnh dạn đặt các người được giáo dục (học sinh) vào các tính huống thực để các em được “trải nghiệm” theo đúng nghĩa của nó. Từ vụ việc lần này có thể cần phải làm tốt hơn nữa trách nhiệm, sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm đối với học sinh của mình.

Xem thêm: Phẫn nộ cảnh nữ sinh đánh nhau, bạn bè đứng ngoài quay clip hò reo, cổ vũ