Thanh Hóa: Chưa xem xét dự án xây tượng đài 255 tỷ là quyết định hợp lòng dân
Dự án nung nấu 15 năm
Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn được phê duyệt Quy hoạch tại Quyết định số 3428/QĐ-UBND, ngày 14/10/2014; được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 2207/QĐ-UBND ngày 17/6/2015 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 322/NQ-HĐND ngày 21/9/2020 của HĐND tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 255 tỷ đồng. Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn được giao làm Chủ đầu tư.
Ngày 21/6/2021, Hội đồng tư vấn nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc đã tổ chức phiên họp thứ nhất để lựa chọn mô hình thiết kế Tượng đài; các bước tiếp theo đang được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói: Công trình này “mang nhiều ý nghĩa, không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa mà còn giúp giáo dục các thế hệ sau này về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, ý chí dân tộc. Đặc biệt, công trình còn nhằm tri ân những đóng góp, sự cưu mang của người dân miền Bắc đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết”. Việc xây dựng tượng đài này có tổng kinh phí phê duyệt ban đầu là 290 tỉ đồng, sau vì khó khăn nên giảm xuống còn 255 tỉ trên một diện tích 40.000m2.
Phối cảnh dự án
Theo phương án vừa được Hội đồng nghệ thuật và các đơn vị chuyên môn lựa chọn, khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có quy mô hơn 40.000 m2, chia làm ba phân khu chức năng. Khu A của công trình gồm các hạng mục: Tượng đài Con tàu tập kết và phù điêu lớn hình cánh cung, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp kết hợp chiếu phim tư liệu và các công trình phụ trợ. Khu B là nơi tái hiện lại hình ảnh những lán trại, nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết, giếng nước, cây xanh cảnh quan. Khu C là công viên văn hóa du lịch. Ngoài ra công trình còn có các tuyến giao thông kết nối giữa các phân khu được gọi là con đường ký ức bằng gốm sứ với chiều dài 1,4 km.
Được biết, khởi thủy ý tưởng của dự án này được nung nấu từ năm 2007, khi đó cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều rất tâm đắc với ý tưởng này. Tuy nhiên việc xây dựng khu lưu niệm như thế nào, quy mô ra sao vẫn còn nhiều việc phải nâng lên, đặt xuống để dự án mang ý nghĩa lớn khi đi vào sử dụng phát huy được giá trị lịch sử, đồng thời cũng tiết kiệm nhất về nguồn lực đầu tư.
Dư luận còn nhiều băn khoăn
Ngay sau khi thông tin về dự án xuất hiện, trên mạng xã hội và nhiều diễn đàn đã có rất nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần các ý kiến cho rằng, trong khi Đảng, nhà nước đang tập trung mọi nguồn lực để vượt qua đại dịch Covid thì việc xây dựng khu lưu niệm và tượng đài quy mô lên tới 255 tỷ là chưa thật sự thiết thực, chưa đúng thời điểm.
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu Thái Hạo đánh giá: “Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, người dân mất việc, đời sống khó khăn, doanh nghiệp lao đao, nỗi lo cơm áo đè nặng mà nhà nước lại quyết định xây một công trình không thật sự cấp thiết như thế là chưa thực sự phù hợp. Cần giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt, cứu dân như cứu hỏa, sao có thể làm những việc phi thực tế như vậy trong lúc này. Giữa lúc Chính phủ đang kêu gọi dân “đóng góp” xây dựng Quỹ vaccine phòng Covid thì việc bỏ tiền xây tượng đài lại càng phải cân nhắc kĩ”. Ông Thái Hạo cho rằng: “Không có tượng đài nào bằng an sinh của dân chúng, không có ý nghĩa nào bằng việc hàn gắn lòng người, và không có gì cần thiết bằng việc ổn định đời sống cho dân. Đó là chức năng của một nhà nước phụng sự. Xây tượng đài, trước tiên cần nghĩ tới việc người dân cần gì. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về tượng đài, cổng chào rồi. Lòng dân mới là nơi cần đặt tượng đài, tượng đài của niềm tin vào chính quyền”.
Quyết định hợp lòng dân
Trao đổi với PV chiều tối 29/6/2021 ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa thống nhất chỉ đạo: Trong thời điểm hiện nay, Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên chưa triển khai thực hiện Dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại Sầm Sơn.
Ông Tuấn thông tin thêm: Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lúc này, thành phố Sầm Sơn và tỉnh Thanh Hóa đang cùng cả nước tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid 19 nên chưa triển khai thực hiện dự án. Trong thời gian tới, chỉ khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, thành phố Sầm Sơn mới phối hợp với Hội cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc lựa chọn một số hạng mục thật sự thiết thực, có quy mô phù hợp (bằng nguồn vốn do Hội cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc huy động và các nguồn xã hội hóa khác); không dùng ngân sách Nhà nước và sẽ được triển khai xây dựng vào thời điểm thích hợp.
Phối cảnh dự án
Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thông tin dự án mới ở giai đoạn lựa chọn phương án kiến trúc; thời gian tới sẽ còn nhiều phần việc như lập, phê duyệt dự án, đấu thầu, bố trí nguồn vốn... Theo ông Liêm, tại một cuộc họp đầu năm 2021, lúc dịch Covid-19 tạm lắng, nhiều ý kiến mong muốn khởi công dự án trong quý 3/2021 song "căn cứ tình hình hiện nay thì chưa phù hợp".
"Tôi khẳng định, tại thời điểm này, lãnh đạo tỉnh không có chủ trương huy động vốn để triển khai dự án bởi còn tập trung, ưu tiên tối đa cho công tác phòng chống dịch", ông Liêm nói và cho hay việc lựa chọn thời gian triển khai dự án sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.
Việc lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chưa xem xét triển khai dự án tại thời điểm này được dư luận hết sức ủng hộ. Nhiều cử tri, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá đây là một quyết định kịp thời, hợp lòng dân.
Trương Xuân Thiên