Thành lập các tổ cung ứng hàng hóa địa phương ở TP.HCM

06:50 | 23/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ đạo khẩn liên quan đến triển khai kế hoạch triển khai cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong đợt giãn cách xã hội mới từ ngày 23/8.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo: Nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, trong ngày 22/8 Sở Công Thương phối hợp với UBND Tp.Thủ Đức và các quận, huyện rà soát tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân. 

Kết hợp các giải pháp thống kê các điểm bán hàng và đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa cho người dân qua đó kịp thời hỗ trợ các địa phương tiếp cận nguồn cung hàng hóa, hướng dẫn các giải pháp phân phối hàng hóa cho người dân phù hợp, khả thi.

Sở Công thương Tp.HCM sẽ đóng vai trò chủ động theo dõi, phân công hỗ trợ theo địa bàn các quận, huyện, TP. Thủ Đức để kịp thời phối hợp, điều phối việc tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa cho người dân. Ngoài ra, cần làm việc cùng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho Thành phố.

Thành lập các tổ cung ứng hàng hóa địa phương ở TP.HCM - ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Điểm mới nhất trong văn bản chỉ đạo lần này là UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức sẽ Thành lập các Tổ cung ứng hàng hóa địa phương; trực tiếp chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Tổ cung ứng hàng hóa địa phương triển khai phương án cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn. 

Các quận huyện cũng cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ các hệ thống phân phối trong công tác vận chuyển, dự trữ đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân trên địa bàn; giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức nhân sự, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối, triển khai các phương án cung ứng hàng hóa phù hợp cho người dân.

Ban chỉ đạo yêu cầu UBND cấp phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu trên địa bàn (lưu trú, vãng lai) phục vụ cho việc cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn; sau đó tổng hợp thông tin báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố. 

Các cơ quan chức năng cấp sở khác của thành phố cũng được giao nhiệm vụ cụ thể riêng như sau: 

Sở Giao thông vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Công thương và Sở GTVT các tỉnh, Cảng vụ Hàng hải, Công an thành phố thực hiện một số công tác sau: Duy trì công tác phân luồng xanh tại các địa phương để đảm bảo việc kiểm soát, vận chuyển hàng hóa giữa Thành phố và các tỉnh, thành thuận lợi; điều phối hoạt động hàng hải ưu tiên việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu; tạo điều kiện lưu thông cho một số đối tượng, phương tiện vận chuyển hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu để kịp thời cung ứng, phân phối cho người dân. 

Ngoài ra, Sở này còn được yêu cầu Chỉ định các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn huy động các phương tiện vận chuyển để sẵn sàng vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung ứng cho người dân trên địa bàn. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao tăng cường kết nối với các địa phương, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tìm kiếm, bổ sung các nguồn hàng cho Thành phố; thông tin đầu mối về Sở Công Thương để tổ chức kết nối; Chỉ đạo Chi cục Thú y Thành phố tăng cường hoạt động giám sát, kiểm soát kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, vận chuyển, lưu thông vào Thành phố, đảm bảo an toàn thực phẩm cho nguồn hàng cung ứng cho Thành phố.

Hiện tại, để đảm bảo việc "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 đến 6/9 thì người dân Tp.HCM sẽ chỉ được đi chợ hộ do các tổ công tác với nhiệm vụ được chỉ định ở trên. 

Thành phố cũng yêu cầu hỗ trợ hỗ trợ hàng hóa thiết yếu, tổ chức cấp phát các túi An sinh miễn phí cho người dân đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót trường hợp khó khăn nào, đặc biệt đối với những hoàn cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19. 

Trong thời gian tăng cường giãn cách, lãnh đạo Tp.HCM lưu ý các hệ thống siêu thị, điểm sản xuất đủ điều kiện hoạt động như lò bánh mì, bún, hủ tiếu, đậu... vẫn được duy trì. Tóm lại, chỉ có thay đổi về hình thức phân phối hàng hóa là qua tổ đặc biệt rồi giao đến người dân có nhu cầu. 

H.S

 

Xem thêm: Thủ tướng: Xét nghiệm thần tốc, ưu tiên riêng cho TP.HCM trong thời gian giãn cách