Kinh tế TP.HCM khởi sắc do tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực trụ cột

Thu Hương (TTXVN/Vietnam+) 08:09 | 02/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM trong quý 2 vừa qua tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước là do sự góp phần của các chỉ số công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... tăng trưởng tốt.

Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố Hồ Chí Minh trong quý 2 vừa qua tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ số công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ... đều có chỉ số tăng trưởng tốt, góp phần chung vào tăng trưởng chung GRDP.

Đây là nội dung nổi bật được ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố ngày 1/6.

Theo ông Trần Phước Tường, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 5 tháng đầu năm nay ước tính thực hiện là 28.125 tỷ đồng, đạt 22,3% dự toán và tăng 32,8% so với cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 22.116 tỷ đồng, đạt 20,0% dự toán và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

[Phát triển kinh tế TP.HCM: Tìm nguồn lực cho hạ tầng giao thông]

Doanh thu bán lẻ hàng hóa so với tháng cùng kỳ tăng 10,6%; trong đó, lương thực thực phẩm tăng 25,6%, hàng may mặc tăng 4,4%, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 6,7%, ôtô tăng 21,2%, xăng dầu tăng 8,4%.

Liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính từ đầu năm đến ngày 20/5 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phép 18.630 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 178.788,2 tỷ đồng, tăng 7,9% về giấy phép và giảm 21,2% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 13.805 doanh nghiệp thành lập, tăng 9,3% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 110.786 tỷ đồng, giảm 35%.

Mặt khác, giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc; lạm phát trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu giảm nhiệt và môi trường kinh doanh dần được cải thiện. Tuy nhiên, ông Trần Phước Tường cho rằng tình hình xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn khó khăn khi các thị trường chủ lực chưa phục hồi; thu ngân sách Nhà nước giảm so với cùng kỳ. Ước tính 5 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước thành phố đạt 43% dự toán (giảm 4,5% so cùng kỳ).

Để kinh tế quý 2 vừa qua và các quý còn lại có sự tăng trưởng khởi sắc, theo ông Trần Phước Tường, thành phố cần quyết tâm hơn nữa qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng và đóng góp cao nhất vào GRDP thành phố với các chương trình xúc tiến, thay thế và bổ sung các thị trường xuất khẩu tiềm năng, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ thị trường bất động sản./.