Chật vật tìm chốn 'an cư' giữa làn sóng tăng giá bất động sản

Nguyễn Triệu 18:19 | 09/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương, giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III/2022 cơ bản ổn định so với quý trước, giá căn hộ chung cư một số khu vực tại TP. Hà Nội, TPHCM tăng hơn so với quý II.

Giật mình khi giá nhà vẫn 'neo' cao

Theo VGP NEWS lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ trong quý III/2022 dù thấp hơn so với quý liền kề trước đó nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể đã có 51.003 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TPHCM, tổng lượng giao dịch bằng khoảng 73,8% so với quý II/2022 và bằng khoảng 439% so với cùng kỳ năm 2021. Tại miền Bắc có 9.627 giao dịch thành công, miền Trung có 17.425 giao dịch, miền Nam có 23.951 giao dịch; riêng TP. Hà Nội có 1.508 giao dịch thành công, TPHCM có 2.144 giao dịch thành công. 

Giao dịch đất nền giảm rõ rệt với trên 115.000 giao dịch thành công, tổng lượng giao dịch chỉ bằng khoảng 54% so với quý II/2022. Giá giao dịch căn hộ chung cư trong quý III/2022 cơ bản ổn định so với quý trước, giá nhà ở chung cư tại một số khu vực tại TP. Hà Nội, TPHCM tăng hơn so với quý II.

Chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều hộ gia đình và cá nhân khó mua được nhà ở. (Ảnh minh họa) 

Báo Tiền Phong thông tin từ Chị Minh Thu (người dân quận Đống Đa, TP. Hà Nội) ngày 11/10 chia sẻ cho biết chị vừa tham khảo dự án chung cư trên đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) bắt đầu mở bán. Chị Thu khá sốc khi một căn hộ 2 phòng ngủ tại đây có giá thấp nhất lên tới 7 tỷ đồng.

"Mặc dù biết dự án có vị trí trung tâm nhưng với mức giá này vượt quá khả năng chi trả của gia đình tôi. Giờ dự án mới ra nào cũng giá quá đắt", chị Thu nói.

Xa hơn chút xuống khu vực quận Hoàng Mai, chị Thu cũng được báo giá căn hộ đang mở bán lên tới 43 triệu đồng/m2. Thậm chí, khi chị chấp nhận qua cầu Long Biên, đi xem dự án đang xây, chị Thu ngán ngẩm khi giá cũng lên tới 50 triệu đồng/m2.

Cụ thể, theo Batdongsan.com.vn, mặt bằng giá rao bán chung cư quý I/2022 ở phân khúc cao cấp tăng 5%, từ 46 triệu đồng/m2 lên 48 triệu đồng/m2; phân khúc trung cấp tăng 7%, từ 33 triệu đồng/m2 lên 35 triệu đồng/m2; phân khúc bình dân tăng 8%, từ 24 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. 

Theo thông tin từ Tạp chí Bất động sản Việt Nam, một dự án ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), giá bán của chủ đầu tư đưa ra chỉ từ 32 - 40 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Mặc dù mới chỉ mới mở bán nhưng lại nhanh chóng “cháy hàng” ngay lập tức. Những khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại dự án này, buộc phải chuyển sang mua bằng hình thức sang nhượng từ chủ cũ. Giá bán của các căn hộ này đã tăng lên từ 40 - 42 triệu đồng/m2. Anh Long Ngọc, một môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, thông thường giá bán thứ cấp cao hơn giá bán sơ cấp là điều đương nhiên. Ngay cả những dự án đã đưa vào sử dụng lâu năm, cũng đang rục rịch tăng giá nhanh chóng. Thế nhưng, cũng có những dự án đi ngược lại với quy luật này, giá bán sơ cấp cao hơn rất nhiều so với giá bán thứ cấp.

Chẳng hạn, căn hộ 45m2 tại một dự án thuộc quận Nam Từ Liêm, dự kiến nhận nhà vào tháng 5/2023 hiện có giá 1,9 tỷ đồng, tương đương 42,3 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trên thị trường thứ cấp, khách hàng dễ dàng tìm mua từ chủ cũ, với mức giá chỉ từ 1,5 - 1,6 tỷ đồng, tương đương 33 - 35 triệu đồng/m2.

Vì đâu nên nỗi?

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường, mới đây bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Savills Hà Nội chia sẻ: “Giá căn hộ có xu hướng tăng từ năm 2019. Thủ tục pháp lý kéo dài và chậm phê duyệt dẫn tới nguồn cung còn hạn chế".

Hà Nội sẽ bố trí gần 1.900 ha cho phát triển nhà ở, bao gồm gần 1.400 ha ở đô thị và hơn 480 ha tại nông thôn. Thành phố sẽ cần gần 20 triệu m2 căn hộ (tương đương 166.600 căn) đến năm 2025 để đáp ứng nguồn cầu. Tuy nhiên, sẽ chỉ có thêm 70.000 căn dự kiến được mở bán tới năm 2025, do đó dẫn tới việc thiếu hụt giữa nguồn cung thực tế và theo Chương trình Phát triển Nhà ở, ước tính vào khoảng 96.600 căn, bà Thu Hằng cho hay.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, nguồn cung mới của tất cả các phân khúc trong 6 tháng đầu năm đều hạn chế, giá bán bất động sản tiếp tục tăng mạnh từ đất nền, biệt thự đến căn hộ chung cư. Các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2. Căn hộ trung cấp có mức giá 30-50 triệu đồng/m2 là sản phẩm chủ đạo trên thị trường.

Theo chuyên gia trong ngành, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá đất tăng, nguồn cung khan hiếm, thấp nhất trong vòng 5 năm qua… là những lý do chính khiến căn hộ chung cư khó giảm giá.

Điều đặc biệt, các căn hộ được rao bán trên thị trường thứ cấp có giá rẻ hơn vài trăm triệu đồng là hàng mới, chưa sử dụng, thậm chí có căn còn chưa được bàn giao cho khách hàng. Một môi giới bất động sản tại dự án này cho biết, do chủ đầu tư có chính sách thay đổi giá bán 3 tháng/lần, nên giá sơ cấp cao hơn nhiều so với giá thứ cấp. Ngoài ra, những cơn sốt đất liên tiếp đã đẩy mặt bằng giá đất tại các khu vực lên cao. Bên cạnh đó, sự lệch pha cung - cầu cũng là nguyên nhân cần được nhắc tới. Hiện tại thị trường thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp nhưng lại thừa nhà giá cao, trong khi với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân hiện nay rất khó để có thể sở hữu nhà.

Giải pháp “hạ nhiệt” thị trường

Theo thông tin TTXVN cho biết vào sáng 8/11 tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã họp với đại diện Bộ Xây dựng, cùng với hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Sơn Kim Land, Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điền… đã được mời dự họp cùng Chính phủ và Bộ Xây dựng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường. 

Trước thực trạng trên, HoREA và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cùng các cơ quan thẩm quyền của Trung ương và các địa phương tập trung mọi nỗ lực để thực hiện mục tiêu “đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.” Đây cũng là giải pháp có tính quyết định nhất để thực hiện mục tiêu “phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”. 

Đi đôi với việc hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan trong năm 2023 gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Phòng, chống rửa tiền, ông Châu cho biết HoREA đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Quản lý đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ Luật Dân sự… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, HoREA kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương cần sớm xem xét “có kết luận dứt điểm” các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc “đất công” hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ cần xem xét có thể nới room tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm; tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền và các dự án nhà ở xã hội.