Thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt tại Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 37/2020/QĐ-TTg thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.
Vietnam Exchange có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ 2 sở HNX và HoSE.
Vốn điều lệ tại thời điểm bắt đầu hoạt động được xác định bằng tổng vốn chủ sở hữu của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán tại thời điểm trước ngày Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam quyết định mức vốn điều lệ của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính.
VNX có nhiệm vụ xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và kế hoạch hàng năm; Xây dựng và ban hành các quy chế niêm yết, giao dịch chứng khoán, công bố thông tin; Quản lý, giám sát 2 Sở giao dịch theo quy định của pháp luật; Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin; Hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán với các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới;
Báo cáo, kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính vẹn toàn của thị trường chứng khoán Việt Nam, Hợp tác quốc tế về chứng khoán và thị trường chứng khoán với các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới…
Quyết định cũng đã phân công nhiệm vụ chính của các công ty con là 2 Sở giao dịch HNX và HoSE.
Theo đó, HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định pháp luật. Trong khi đó, HoSE sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.
2 sở có nhiệm vụ Giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán; giám sát hoạt động công bố thông tin của tổ chức niêm yết; Đầu tư, triển khai phát triển hệ thống công nghệ, phát triển sản phẩm mới theo nhiệm vụ được giao; Cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, thị trường chứng khoán có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế năm 2020. Tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn của thị trường chứng khoán đạt 383.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 24/12/2020, chỉ số VNIndex đạt 1.067,52 điểm, tăng 11,1% so với cuối năm 2019; mức vốn hóa thị trường đạt gần 5 triệu tỷ đồng, tăng 14%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm 2020 đến nay (tính đến ngày 17/12) đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019.
Hiện nay, thị trường cổ phiếu có 750 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 905 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.479 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2019.
Trên thị trường trái phiếu, có 481 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt gần 1.350 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2019; giá trị giao dịch bình quân đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3% so với bình quân năm trước.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 từ đầu năm đến nay (tính đến 17/12) đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77% so với bình quân giao dịch năm 2019; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 11.076,1 nghìn chứng quyền/phiên, tăng 286%, giá trị giao dịch bình quân đạt 18,85 tỷ đồng/phiên, tăng 163%.
Lệ Vỹ