Thanh toán số ngày càng thu hút doanh nghiệp và người dân Việt

09:40 | 03/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu số hóa trong thanh toán ngày càng tăng cao, thanh toán số ngày càng thu hút doanh nghiệp và người dân Việt.
Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối với mục tiêu đạt tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020 và rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025.
 

Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp

 
Theo tin từ Visa - công ty công nghệ thanh toán toàn cầu chuyên cung cấp các giải pháp sử dụng phương thức thanh toán kỹ thuật số cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các ngân hàng và Chính phủ, những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, thu hút đáng kể vốn đầu tư trung hạn từ nước ngoài (FDI).
 
Để khuyến khích tăng trưởng, Chính phủ đã tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến với các chính sách hỗ trợ nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia không tiền mặt, tăng cường thanh toán số giữa người tiêu dùng, đơn vị kinh doanh và doanh nghiệp trên toàn quốc.
 
Với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu số hóa trong thanh toán ngày càng tăng cao, giao thương giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp là một lĩnh vực cần được ưu tiên hiện đại hóa. Tuy nhiên, chuyển khoản ngân hàng vẫn đang là phương thức thanh toán chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi tiêu thương mại với ước tính đạt khoảng 330 tỷ USD/năm. Điều này là do nhận thức của thị trường đối với thẻ tín dụng doanh nghiệp còn chưa thấu đáo, cũng như nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nắm rõ những lợi ích tài chính to lớn và thiết thực mà loại thẻ này mang lại.
 
 
Thanh toán số ngày càng thu hút doanh nghiệp và người dân Việt - ảnh 1
Tốc độ tăng trưởng và nhu cầu số hóa trong thanh toán ngày càng tăng cao
 
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào cho biết: “Khi hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp ngày càng phát triển và quốc tế hóa, việc thực hiện giao dịch nhanh và hiệu quả sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Tính liền mạch và an toàn của thanh toán số cho phép doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh tốt hơn, tiết kiệm chi phí đáng kể và tối ưu hóa nguồn tài chính. Thẻ doanh nghiệp Visa sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi này và giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.”
 
Theo bà Dung, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm 98% trong số 760.000  doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc áp dụng các phương thức thanh toán hiện đại sẽ góp phần giúp doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng mong muốn.
 
Trên thực tế, một số doanh nghiệp nhỏ đang cho thấy khả năng phục hồi và thích nghi nhanh chóng. Có tới 67% doanh nghiệp nhỏ đã thay đổi cách tiếp cận để duy trì hoạt động kinh doanh của mình kể từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng; 28% doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện quảng cáo trên mạng xã hội, tiếp theo là các sản phẩm hoặc dịch vụ được bán trực tuyến (27%), cho phép thanh toán không tiếp xúc như thanh toán qua di động hoặc thẻ (20%) và cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà (20%).
 
Một lợi ích khác của thẻ Visa doanh nghiệp là tối ưu hóa thời gian và nguồn lực doanh nghiệp. Khảo sát do Visa thực hiện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng, trung bình các doanh nghiệp vừa và nhỏ dành 60 giờ mỗi tháng cho công việc hành chính như lập hóa đơn, đối chiếu và chi trả. Một trong những trở ngại lớn khi thanh toán bằng chuyển khoản ngân hàng là thời gian xử lý chuyển tiền và đối chiếu giao dịch có phần rườm rà, tốn thời gian và có thể xảy ra sai sót dẫn đến chậm trễ.
 
Sử dụng thẻ doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiết kiệm đáng kể thời gian của nhân viên kế toán tài chính, nhờ vào quá trình xử lý nhanh chóng và tự động phân chia các khoản chi tiêu. Bằng cách làm cho các bộ phận này hoạt động hiệu quả hơn, các công ty sẽ có thêm thời gian và nguồn lực để tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp của mình.
Mặc dù, việc chuyển khoản ngân hàng hoặc các phương thức thanh toán truyền thống sẽ giúp tiết kiệm thời gian và quản lý dòng tiền linh hoạt hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các loại thẻ doanh nghiệp lại mang đến nhiều ưu thế hơn.
 
Thông qua việc sử dụng các ưu đãi dành cho thẻ doanh nghiệp như ngày miễn lãi suất và thanh toán trả góp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có được những giải pháp thay thế để tiếp cận và mở rộng dòng vốn lưu động, từ đó có thể thúc đẩy sự phát triển của công ty. Thẻ doanh nghiệp cũng giúp cải thiện khả năng dự báo dòng tiền và cho phép tối ưu hóa vốn lưu động, điều này cũng có thể tiết kiệm cho doanh nghiệp về lâu dài.
 
Ngoài việc giúp quản lý dòng tiền tốt hơn, thẻ doanh nghiệp còn có những ưu đãi như hoàn tiền, khuyến mại... để số hóa các khoản thanh toán của doanh nghiệp. Visa và hơn 30 nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác hiện đã có các chính sách giảm giá nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chủ thẻ doanh nghiệp Visa. Bằng cách sử dụng chương trình ưu đãi của các nhà cung cấp dịch vụ trọng yếu, doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ và dịch vụ mới, giúp công ty ngày một tăng trưởng.

 

Mua sắm trên các sàn thương mại điện tử tăng mạnh

 
Theo nhận định của Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, sức mua trên thị trường tăng 15-20%. Vụ này cho hay nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu bắt đầu tăng cao vào các ngày 30 và 31.1 (rơi vào những ngày cuối tuần, nhằm ngày 18, 19 tháng chạp) và vào ngày 6, 7.2 (25, 26 tháng chạp).
 
Nắm bắt xu hướng này, từ cuối tháng 10.2020 tới nay, các sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam liên tục tung ra những chiến dịch mua sắm lớn. Sàn thương mại điện tử Shopee có chương trình khuyến mãi giảm giá cho các sự kiện 10.10, 11.11, 12.12 và đợt khuyến mãi lớn cho tết với tên gọi “Shopee Tết Sale” với các mặt hàng giảm mạnh.
 
Cùng với các sàn thương mại điện tử, nhiều đơn vị thanh toán như ví điện tử, ngân hàng số cũng lần lượt tung ra các đợt khuyến mãi mạnh tay để thu hút người tiêu dùng. Ví điện tử AirPay liên kết với các ngân hàng như Techcombank, VietinBank, BIDV… giúp người dùng vừa thuận tiện mua sắm, vừa được hưởng lợi từ giảm giá khi thanh toán qua hình thức này.
 
Nhờ những hoạt động khuyến mãi trên, xu hướng người dùng chọn mua sắm online nhiều hơn, nhất là trong những ngày cận tết. “Chỉ cần ngồi một chỗ với vài cú click chuột, tôi đã chọn được sản phẩm ưng ý. Đó là chưa kể lợi kép khi vừa được giảm giá lại còn tiết kiệm thời gian”, chị Hồ Mai Thy (nhân viên kế toán, 30 tuổi ở Hà Nội) cho biết.
 
 
Thanh toán số ngày càng thu hút doanh nghiệp và người dân Việt - ảnh 2
Xu hướng người dùng chọn mua sắm online nhiều hơn, nhất là trong những ngày cận Tết
 
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM), thời gian qua, lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với năm 2019. Kết quả này một phần nhờ vào nỗ lực lớn của các ví điện tử, bởi liên tục đưa ra những hình thức khuyến mãi cũng như cách thức vận hành đơn giản nhằm thu hút người tiêu dùng Việt.
 

Hoàn thiện các quy định về thương mại điện tử, chữ ký số

 
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng: Để thúc đẩy thanh toán điện tử hướng đến xã hội không tiền mặt, trước hết chúng ta cần xây dựng môi trường sinh thái thanh toán điện tử trong nền kinh tế quốc dân. Tham gia vào đó là rất nhiều chủ thể; trong đó ngân hàng chỉ là 1 bộ phận trong hoạt động thanh toán này. Cần phải nhắc tới các công ty Fintech với các công nghệ cao về phần mềm, phần cứng phục vụ hoạt động thanh toán.
 
Theo ông Thịnh, đáp ứng quá trình thanh toán không chỉ có ngân hàng mà cần có các quỹ đầu tư, các công ty tài chính... Vì thế, việc kết hợp công nghệ cao với các chính sách, biện pháp, quy định của cơ quan quản lý tài chính là một trong những đòi hỏi quan trọng để chúng ta có thể đảm bảo yêu cầu về nâng cao vị thế thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân.
 
Về mặt công nghệ, đây là lĩnh vực tương đối mới, các công ty công nghệ cao thực hiện việc thanh toán ở Việt Nam đều mới thành lập (lâu nhất mới khoảng 5 năm) nên kinh nghiệm để phát triển hoạt động công nghệ và khả năng tài chính có giới hạn. Việc chuẩn bị phần cứng, phần mềm để ứng dụng, sử dụng trôi chảy trong nền kinh tế vẫn còn những khó khăn. Chính vì vậy, những công ty Fintech thuần Việt nhỏ bé, manh mún, thiếu quy hoạch phát triển lâu dài đang phụ thuộc nhiều vào phần mềm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
 
Về cơ chế, chính sách tài chính, chúng ta còn có những khó khăn, lúng túng khi thích ứng với thời đại công nghệ cao, chưa chuyển hóa hết các quy định hiện có thành những quy định mang tính đơn giản có thể ứng dụng ngay trong hoạt động công nghệ cao. Thêm nữa, khả năng kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước với việc thanh toán trong nền kinh tế vẫn còn những kẻ hở nên xuất hiện một số hình thức lợi dụng công nghệ cao để hoạt động tín dụng đen hoặc một số hoạt động thanh toán cần nghiên cứu, quản lý. Do đó, cơ chế, chính sách tài chính cần được nghiên cứu thêm để phù hợp với nền kinh tế số.
 
Nhằm tạo điều kiện giúp tăng tốc thanh toán số, nhưng cũng quản lý hiệu quả hoạt động này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị:  Trước hết, chúng ta cần hoàn thiện các quy định về thương mại điện tử, chữ ký số,... để từ đó có thể thúc đẩy hoạt động thanh toán trôi chảy. Tiếp đó, các bộ, ngành quản lý cần tích hợp công nghệ để có sự liên thông giữa các cơ quan quản lý nhằm làm cho hoạt động thanh toán, quy định liên quan đến nhau, phù hợp, không vênh. Bên cạnh đó, quy định các chủ thể thanh toán phải có tính chuyên trách hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến thanh toán số một cách nhanh nhất, đảm bảo thanh toán thông suốt.
 
Cùng với việc xem xét hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đảm bảo sự lan tỏa của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, theo tôi cần có chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử bằng cách giảm thuế cho các công ty Fintech, công ty có các hoạt động phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán số thuần Việt để các công ty Fintech Việt hình thành các phần mềm, đảm bảo thanh toán an toàn, trôi chảy và phù hợp với chuẩn chung của thế giới
 
Bên cạnh những tiện ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại, vấn đề bảo mật thông tin, an toàn giao dịch cũng đang được người sử dụng lưu tâm. Do đó, các nhà cung cấp dịch vụ cũng như bản thân người sử dụng cần làm gì để đảm bảo giao dịch an toàn, thưa ông?
 
“Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần nâng cao tính an toàn, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị; các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần nâng cao chất lượng bảo mật ở mức cao nhất. Việc chống lại tội phạm kỹ thuật cao tương đối khó khăn, nhưng chúng ta phải đảm bảo mức an toàn gần như tuyệt đối trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó tăng mức độ tin tưởng của người dân, thúc đẩy người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, ngành ngân hàng cần nâng cao trình độ cho nhân viên ngân hàng, cán bộ kỹ thuật, quản lý cả về nghiệp vụ chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp”, ông Thịnh nói.
 
Đối với người tiêu dùng phải nâng cao cảnh giác, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, kể cả người thân, nên sử dụng phương thức xác thực 2 lớp để đảm bảo phòng tránh hacker cao nhất. Qua một số vụ mất tiền trong tài khoản gần đây, hầu hết nguyên nhân đều bắt nguồn từ sự thiếu cảnh giác của người dùng, làm lộ lọt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản cũng như mã bảo mật. Do đó, tính cảnh giác của người dùng cần được đặc biệt nâng cao.
 
Minh Hoa