Thảo luận vấn đề quyền lợi người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài

10:18 | 23/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại phiên họp sáng 23/10, Quốc hội tiến hành thảo luận xoay quanh vấn đề quyền lợi người lao động và Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (sửa đổi).
Tại phiên họp sáng ngày làm việc thứ 3 (23/10), Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vấn đề về Luật Người Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) đã được đưa ra bàn luận. Việc đưa người lao động ra nước ngoài theo hợp đồng vốn là chủ trương, đường lối được Đảng và Nhà nước thực hiện xuyên suốt từ hơn 30 năm nay. Việc đưa người lao động làm việc tại nước ngoài đã được thể chế hóa bằng Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 (Luật số 72) từ năm 2007.
 
Tuy nhiên, sau nhiều năm thi hành, trước bối cảnh tình hình xã hội, kinh tế mới đòi hỏi luật đưa ra một số sửa đổi, hoàn thiện hơn. Đây là lí do Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được đưa ra làm chủ đề thảo luận tại phiên làm việc sáng ngày 23/10 thuộc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
 
Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
 
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV
 
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 46 của Ủy ban THường vụ Quốc hội mới đây, các đại biểu đều đồng thuận cho rằng dự Luật sửa đổi cần xoay quanh các mục tiêu chính: bao gồm cải tiến thủ tục hành chính, tạo minh bạch và nghiêm trị những hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, vấn đề về quy định phí môi giới cũng được đưa ra thảo luận nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động.
 
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề xuất bổ sung việc giảm chi phí cho người lao động và tránh tình trạng lừa đảo người lao động, thúc đẩy những quyền lợi mà người lao động xứng đáng được hưởng. Đại biểu cũng nhấn mạnh, tầng lớp lao động đi xuất khẩu thường là nông dân có kinh tế khó khăn, nếu không quy định chặt chẽ về vấn đề chi phí, nhóm người này rất dễ trở nên 'đã khốn khó lại khốn khó hơn'.
 
Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Quyền lợi người lao động được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV
 
Xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV
 
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, dự thảo luật sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm 8 chương, 76 điều, quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
Cụ thể, những nội dung được dự thảo luật tiếp thu và chỉnh lý bao gồm: Đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
Sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10
 
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh mục đích sửa đổi của Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng ta được ban hành trong thời gian gần đây về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thể chế hóa Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013.
 
Sau khi thông qua, Luật sửa đổi sẽ góp phần hoàn thiện chính sách, tác động đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vào thời điểm đất nước đang đẩy mạnh tiến trình hội nhập- ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
 
 
 
Thùy Dương (t/h)