Thấy gì từ quỹ đất của các ông lớn khu công nghiệp

Công Tâm 09:08 | 18/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sài Gòn VRG (SIP) có quỹ đất thương phẩm còn lại có thể cho thuê cao nhất trong số các công ty niêm yết, đạt hơn 1.000 ha. Tiếp đến là Becamex với 848 ha còn lại có thể cho thuê ở Bình Dương và Viglacera với 848 ha.

(Ảnh minh họa: Becamex).

 

Trong báo cáo cập nhật ngành bất động sản khu công nghiệp (KCN)mới đây, Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, hiện quỹ đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê không còn nhiều, đặc biệt là khu vực phía Nam.

Do đó, các công ty đang tích cực mở rộng quỹ đất, trong đó lợi thế nghiêng về các công ty có đất cao su được phép chuyển đổi sang đất công nghiệp như Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR), Cao su Phước Hòa (PHR) hoặc các doanh nghiệp đã thu hút các tập đoàn quốc tế lớn trong nhiều năm qua như Kinh Bắc (KBC), Viglacera (VGC) và IDICO (IDC).

Theo thống kê của ACBS, Sài Gòn VRG (SIP) có quỹ đất thương phẩm còn lại có thể cho thuê cao nhất trong số các công ty niêm yết, đạt hơn 1.000 ha. Tiếp đến là Becamex với 848 ha còn lại có thể cho thuê ở Bình Dương và Viglacera với 848 ha.

Các dự án của SIP. (Nguồn: ACBS).

Nhóm phân tích cho biết, Sài Gòn VRG (SIP) là một trong những công ty phát triển KCN niêm yết lớn nhất miền Nam với diện tích thương phẩm có thể cho thuê hơn 1.000 ha tại 4 KCN ở Tây Ninh, TP HCM và Đồng Nai.

Doanh nghiệp cho thuê khoảng 20 – 40 ha mỗi năm và dự kiến có thể tăng lên khi các dự án hạ tầng giao thông như sân bay quốc tế Long Thành và Cao tốc TP HCM – Mộc Bài đi vào hoạt động. Kế hoạch cho thuê đất 2024 của chủ đầu tư này là 47 ha (tăng 153% so với cùng kỳ).

Các dự án của Becamex. (Nguồn: ACBS).

Becamex có 7 KCN với tổng diện tích hơn 4.700 ha tại tỉnh Bình Dương, chiếm hơn 30% thị phần tỉnh Bình Dương và 3,5% thị phần toàn quốc. Doanh nghiệp còn khoảng 848 ha diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê. Trong đó, KCN Cây Trường là dự án trọng điểm trong thời gian tới và dự kiến sẽ bắt đầu cho thuê từ 2025.

Becamex nắm 49% VSIP – công ty BĐS KCN đứng đầu Việt Nam với 15 KCN thành lập có tổng diện tích hơn 7.500 ha và 5,6% thị phần toàn quốc. Năm 2023, VSIP đã khởi công 4 KCN mới là VSIP Bắc Ninh 2, VSIP Nghệ An 2, VSIP Cần Thơ – GĐ1 và VSIP Quảng Trị với tổng diện tích gần 1.500 ha và dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2024. Năm 2024, VSIP dự kiến sẽ triển khai xây dựng KCN Bắc Thạch Hà, VSIP Thái Bình, VSIP Lạng Sơn và Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân ở Bình Dương.

Ngoài ra, Becamex cũng nắm 25,5% BWID – công ty phát triển nhà xưởng và nhà kho xây sẵn hàng đầu Việt Nam với tổng quỹ đất tổng quỹ đất trên 900 ha, phát triển hơn 3 triệu m2 sàn xây dựng. BWID dự kiến bổ sung thêm 12 dự án vào năm 2024 và xây dựng khoảng 700.000 - 800.000 m2 nhà kho/nhà xưởng mỗi năm.

Các dự án của IDICO. (Nguồn: ACBS).

IDICO hiện có 10 KCN đang hoạt động với diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê là 554 ha tại KCN Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 2 mở rộng, Hựu Thạnh, Quế Võ 2 và Cầu Nghìn.Công ty có kế hoạch cho thuê 145 ha trong năm nay.

Chủ đầu tư này vừa được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Tân Phước 1 tại tỉnh Tiền Giang với quy mô 470 ha trong tháng 6/2024 và dự kiến có thể bắt đầu cho thuê từ cuối năm 2025. Công ty đang ghi nhận doanh thu cho thuê đất theo cả hai phương pháp là hằng năm và một lần, và đang trong quá trình chuyển đổi từ hằng năm sang một lần.

Các dự án của Kinh Bắc. (Nguồn: ACBS).

Kinh Bắc đang vận hành 7 KCN ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang và TP HCM với diện tích thương phẩm còn lại có thể cho thuê là khoảng 200 ha tại ba KCN là Quang Châu mở rộng, Nam Sơn Hạp Lĩnh và Tân Phú Trung.

Diện tích thương phẩm mới đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và đền bù của doanh nghiệp này hiện có gần 1.700 ha tại Hải Phòng, Long An và Hưng Yên. So với các công ty cùng ngành, ACBS cho rằng Kinh Bắc có thế mạnh trong việc thu hút các Tập đoàn lớn như LG và Foxconn, kéo theo nhiều công ty vệ tinh di dời/mở rộng sản xuất sang Việt Nam.

Doanh nghiệp này có kế hoạch cho thuê 150 ha trong năm nay tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3, các cụm công nghiệp tại Hưng Yên và Long An. Do KCN Tràng Duệ 3 vẫn chưa được phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư và tiến độ giải phóng mặt bằng KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh không đạt kỳ vọng nên nhóm phân tích cho rằng khả năng hoàn thành kế hoạch cho thuê năm nay là một thử thách khá lớn mặc dù có rất nhiều nhà đầu tư châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) quan tâm đến KCN của Kinh Bắc.

Các dự án của GVR. (Nguồn: ACBS).

Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR) đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản KCN với 16 dự án trên tổng diện tích 6.566 ha, nằm tập trung tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Gia Lai.

Trong giai đoạn 2025 - 2030, GVR dự kiến triển khai thêm 16.592 ha đất KCN, trong đó, Tập đoàn làm chủ đầu tư 10.977 ha các đơn vị đầu tư 5.615 ha tập trung tại tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Do đó, tổng diện tích đất công nghiệp của công ty dự kiến sẽ tăng lên 23.444 ha.

Trong tháng 3/2024, doanh nghiệp này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án KCN Hiệp Thạnh - giai đoạn 1, tỉnh Tây Ninh với quy mô 495 ha và tổng vốn đầu tư là 2.350 tỷ đồng.