Thế Giới Di Động chỉ tập chung bán hàng tiêu dùng nhanh trên Vuivui.com
18:27 | 27/09/2018
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Mới đây, Thế Giới Di Động đã đưa ra quyết định chỉ tập trung bán hàng tiêu dùng nhanh và ngừng bán tất cả các mặt hàng khác trên trang thương mại điện tử của mình là Vuivui.com.
Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho biết kể từ 1/10/2018, trang thương mại điện tử của Thế Giới Di Động là Vuivui.com sẽ đóng cửa tất cả các ngành hàng không liên quan đến nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Tất cả các thỏa thuận hợp đồng mua bán không liên quan đến tiêu dùng nhanh sẽ được thanh lý.
Đại diện Thế Giới Di Động xác nhận thông tin này, đồng thời cho biết việc đóng cửa các ngành hàng không liên quan giúp Vuivui.com tập trung hơn vào ngành hàng tiêu dùng nhanh.
Hiện nay trên website Vuivui.com vẫn còn 4 ngành hàng đang bán là Hàng tiêu dùng, Điện thoại - điện máy, Mỹ phẩm, Thời trang.
Vuivui.com là website thương mại điện tử theo mô hình B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng), được thành lập cách đây hơn một năm. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động từng kỳ vọng trang thương mại điện tử này sẽ vượt doanh thu Thế Giới Di Động trong vòng 5 năm tới. Thế nhưng theo cáo bạch của công ty, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui.com là 75 tỷ đồng, không đóng góp nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ.
Nguồn tin nội bộ cho biết nhiều khả năng việc kinh doanh online của Vuivui.com sẽ được hợp nhất vào kênh bán hàng online của Bách Hóa Xanh. Việc đóng các mặt hàng nằm ngoài ngành tiêu dùng nhanh trên trang này nhằm tiết kiệm chi phí để hỗ trợ Thế Giới Di Động tập trung mạnh vào các chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh.
Mục tiêu này cũng được công bố trong báo cáo 8 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động với việc tăng chi phí để phát triển tối đa chuỗi Bách Hóa Xanh.
Vuivui.com là sản phẩm khởi nghiệp được sinh ra trong bối cảnh ngành bán hàng qua mạng cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt tên tuổi lớn đã ra đi, chỉ còn trụ lại những doanh nghiệp lớn có sự giúp sức của dòng vốn nước ngoài. Nổi bật trong số đó có Lazada (hậu thuẫn bởi ông trùm thương mại điện tử Alibaba), hay Tiki (có sự hỗ trợ của VNG, JD.com), hoặc Adayroi (của Vingroup), Sendo (của FPT và mới được rót 51 triệu USD từ vốn ngoại).