Thế nào là Hiệp định thế hệ mới EVFTA?

06:46 | 17/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được coi là một trong những Hiệp định thế hệ mới - hiệp định đầu tư thương mại toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển.

Thế nào là Hiệp định thế hệ mới EVFTA? - ảnh 1
EVFTA là Hiệp định thế hệ mới. Nguồn: Internet.
Sau Singapore, đây là hiệp định thứ hai EU ký kết trong khu vực ASEAN và được kỳ vọng sẽ tăng cường mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của Hiệp định này là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của các nước, của Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường mà hai bên có FTA.

Tại "Lễ công bố Sách Trắng lần thứ 10 và triển vọng EVFTA" được tổ chức ở Hà Nội ngày 15/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các công việc chuẩn bị cho ký kết EVFTA (dự kiến vào mùa hè năm nay) về cơ bản đã được hoàn tất, chỉ còn một vài vấn đề về kỹ thuật cần trao đổi thêm.

Khi EVFTA được ký kết, EU và Việt Nam sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan trọng thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế, lên tới hơn 99% số dòng thuế. Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước tới nay.

Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 15.000 tỷ USD (chiếm 22% tổng GDP toàn cầu).

Ngược lại, các nhà đầu tư, xuất khẩu từ EU cũng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập thị trường của một quốc gia thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực với dân số hơn 90 triệu người.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thông qua EVFTA có thể giúp bổ sung khoảng 2,5% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2020 và 4,6% vào 2025.

Thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô xe máy, một số loại nông sản của EU sẽ được mở rộng.

Trong khuôn khổ EVFTA, nhiều sản phẩm của Việt Nam mang chỉ dẫn địa lý sẽ được công nhận và cam kết bảo hộ, giúp bảo vệ, đẩy mạnh sản xuất đồng thời nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng của Việt Nam như như chè Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng và hạt dẻ Trùng Khánh. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm cao cấp khác như gốm sứ, đá quý, kim loại và sản phẩm chức năng

Việt Nam có rất nhiều cơ hội để khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất và xuất khẩu dược phẩm của ASEAN trong tương lai.

Có nhiều tiềm năng trở thành nhà sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản hàng đầu thế giới với các sản phẩm như hoa quả, ca cao, cà phê, hạt điều, sắn và vải thiều.

Được hưởng lợi rất nhiều từ việc nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng và rủi ro, quy trình vệ sinh và an toàn cũng như truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, có tiềm năng xuất khẩu các nguồn năng lượng trong nước, bao gồm sinh khối, gió, mặt trời và khí tự nhiên ngoài khơi với lộ trình thích hợp để thu hút đầu tư và thiết lập nền tảng để xây dựng các ngành công nghệ cao như pin và pin mặt trời.

Ngành giao thông vận tải sẽ đóng vai trò then chốt cho các hoạt động xuất nhập khẩu cũng như trong quá trình trở thành trung tâm vận tải trong khu vực của Việt Nam.

Bên cạnh các lợi ích về mặt kinh tế, EVFTA còn mang lại các giá trị to lớn khác cho Việt Nam liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR).

Tuy nhiên, để có thể đạt được kỳ vọng, Việt Nam sẽ phải có những nỗ lực rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong khuôn khổ EVFTA, đặc biệt là các vấn đề về khung pháp lý và môi trường đầu tư, cụ thể là những điều chỉnh trong Bộ luật Lao động cho phù hợp với các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); cải cách thủ tục hành chính; vấn đề sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối với từng doanh nghiệp, bên cạnh việc nâng cao khả năng cạnh tranh bằng giải pháp chủ động cải tiến năng suất, quy trình sản xuất, doanh nghiệp phải hết sức chú ý đến đó là thông tin thị trường. Doanh nghiệp thường nhìn nhận EU là một thị trường lớn, có cơ hội nhiều. Nhưng trên thực tế hàng hóa xuất khẩu của EU sang thị trường này vẫn tập trung ở các nước lớn như Đức, Pháp, Italy.

Để tiếp cận thị trường EU, doanh nghiệp vừa phải chú ý những quy tắc chung, vừa tìm hiểu kỹ thị hiếu, đặc điểm riêng liên quan đến người tiêu dùng từng nước.

Xây dựng chiến lược cụ thể cho thị trường cụ thể là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp xâm nhập thị trường EU hiệu quả và thành công.