Thị giá cổ phiếu tăng 2 chữ số, lãnh đạo TNT liên tục thoái vốn

Lạc Lạc 11:07 | 25/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo thông tin CTCP Tập đoàn TNT (mã: TNT) vừa công bố, ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký bán 5 triệu cp TNT nhằm phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Động thái thoái vốn của ông Long trong bối cảnh thị giá cổ phiếu đang có sự phục hồi trong vòng 2 tháng.

Ban lãnh đạo đồng loạt thoái vốn khi thị giá lên cao

Trước giao dịch, ông Long nắm giữ 16,5 triệu cổ phiếu TNT, tương đương 32,3% vốn điều lệ. Nếu giao dịch bán 5 triệu cổ phiếu TNT thành công, vị Chủ tịch HĐQT sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 22,5%. Với giá 5.090 đồng/cp (kết phiên 24/7), ước tính lãnh đạo TNT có thể thu về hơn 25 tỷ đồng nếu bán hết số cổ phiếu đăng ký. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 27/7-25/8. 

Trước đó, ngày 13/7, ông Nguyễn Bá Huấn - Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc TNT cũng đã bán hết 2 triệu cổ phiếu đã đăng ký trước đó. Qua đó giảm tỷ lệ từ 4,508% xuống 0,586%, tương đương còn nắm giữ 229.000 cổ phiếu TNT. Tạm tính theo thị giá ngày 13/7 là 4.750 đồng/cp, ước tính ông Huấn đã thu về 9,5 tỷ đồng. Sau giao dịch này, ông Huấn cũng ông còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp. 

Trong ngày 10/7, ông Lưu Quang Minh - Tổng Giám đốc cũng đã bán thành 1,4 triệu cổ phiếu TNT, qua đó giảm tỷ lệ xuống còn 100.000 cổ phiếu TNT, tương đương 0,2% vốn điều lệ. 

Các giao dịch trên được thực hiện trong bối cảnh giá cổ phiếu TNT có đà tăng từ cuối tháng 5 và ghi nhận đỉnh ngắn hạn 6.010 đồng/cp kết phiên 13/6. Kết phiên 24/7, thị giá ở mức 5.090 đồng/cp, tăng gần 33% so với phiên đầu tiên của tháng 5 (phiên 4/5 với thị giá 3.830 đồng/cp). 

 Thị giá cổ phiếu TNT khá mạnh từ đầu tháng 5 đến nay. Ảnh: Investing.com

Ở diễn biến khác, HĐQT TNT cũng vừa thông qua điều chỉnh việc góp vốn mua cổ phần phát hành riêng lẻ của CTCP Đầu tư và Phát triển Tây Bắc (gọi tắt là Công ty Tây Bắc).

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 11/4, HĐQT TNT chấp thuận góp 79 tỷ đồng để mua 7,9 triệu cổ phần riêng lẻ của Công ty Tây Bắc. Tuy nhiên, số tiền góp vốn được điều chỉnh trong nghị quyết ngày 21/7 xuống còn 50 tỷ đồng, tương ứng 5 triệu cổ phần. Dự kiến sau khi phát hành cổ phiếu riêng lẻ, vốn điều lệ của Công ty Tây Bắc được nâng lên 105 tỷ đồng, trong đó TNT nắm giữ 47,62% vốn.

Ông Lưu Quang Minh - Tổng Giám đốc TNT sẽ làm người đại diện cho phần vốn góp của Công ty tại đơn vị trên.

Giảm lượng vốn góp vào công ty con, kết quả quý II có phần khởi sắc

Giá cổ phiếu TNT tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh quý II với một chút khởi sắc. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa công bố, TNT ghi nhận doanh thu thuần 106 tỷ đồng, tăng tới 292% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn có tốc độ tăng nhanh hơn với 333% khiến lãi gộp giảm nhẹ 24% xuống 1,6 tỷ đồng. 

Sau cùng, doanh nghiệp vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 4,6 tỷ đồng, tăng 7,3% và hoàn toàn là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ.

 Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp. 

Giải trình về kết quả này, TNT cho biết công ty mẹ có những đơn hàng từ mảng mua bán thực phẩm đông lạnh. Sang đầu năm 2023, công ty tạm dừng hoạt động mua bán mặt hàng thực phẩm đông lạnh do nguồn cung cấp thực phẩm đông lạnh từ nước Nga không ổn định để tập trung vào mảng kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng (mặt hàng cát) và sang quý II/2023 công ty có thêm doanh thu từ hoạt động kinh doanh mặt hàng quặng sắt. Do đó doanh thu quý II tăng mạnh so với cùng kỳ. 

Về hoạt động kinh doanh của công ty là kinh doanh bất động sản, xây dựng, các dự án khu nhà ở Tân Thanh tỉnh Điện Biên đang trong quá trình hoàn thiện nghiệm thu thanh toán dự kiến năm 2024 xong; Dự án Tổ hợp Khách sạn – Resort cao cấp tại Lô D11, Khu 1 thuộc Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa vẫn trong giai đoạn đầu. Vì vậy quý II không phát sinh chi phí liên quan đến dự án.

Dự án của công ty con vẫn chưa được thực hiện. Công ty con chưa có hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ. Lợi nhuận của công ty con là từ thu hoạt động tài chính.

Chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý II giảm 4,2 tỷ đồng tương ứng với do công ty thực hiện hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản nợ xấu với tổng số tiền hoàn trong quý II là 2,5 tỷ đồng và hoàn nhập các khoản dự phòng đầu tư là 1,6 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, TNT thu về 157 tỷ đồng doanh thu và 8,2 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 53% và 65% so với cùng kỳ 2022. Năm 2023, TNT lên kế hoạch với 1.050 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp này mới hoàn thành 15% mục tiêu doanh thu và 13,6% kế hoạch lợi nhuận năm. 

Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý II, TNT có tổng tài sản 713 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Khoản tiền mặt và tiền gửi chiếm 43% tổng tài sản với 307 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần 4 lần, lên 303 tỷ đồng, đặc biệt là sự tăng mạnh khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, lên 216 tỷ đồng. TNT đã trích tới 47 tỷ đồng dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Các chỉ tiêu khác không có nhiều thay đổi. 

Tổng nợ tính đến 31/6/2023 là 145 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần đầu năm do sự tăng mạnh của khoản phải trả người bán ngắn hạn (tăng gấp 48 lần), tuy nhiên doanh nghiệp không thuyết minh rõ khoản này. Khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 6 lần, xuống hơn 5 tỷ đồng. 

Vốn chủ sở hữu ghi nhận 568 tỷ đồng, trong đó vốn góp 510 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 56 tỷ đồng.