Thị trường BĐS nội địa còn trầm lắng, xuất khẩu là 'đầu kéo' cho tiêu thụ thép Hòa Phát nửa cuối năm?

Thùy Dương 11:41 | 24/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện, các chuyên gia đánh giá Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nguồn cung từ thị trường bất động sản nội địa kỳ vọng bắt đầu phục hồi trong năm sau, nhưng hoạt động xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của công ty ngay từ cuối năm nay.

Lực cầu hồi phục, Hòa Phát mở lại toàn bộ lò cao từ tháng 7/2023

Tháng 9 năm ngoái, thị trường đồng loạt rộ lên thông tin Hòa Phát sẽ dừng hoạt động 1 số lò cao. Đến tháng 11/2022, 4 trong số 7 lò cao của Hòa Phát đã chính thức tạm đóng cửa, trong đó có 2 lò cao tại Khu liên hợp Hải Dương (KLHHD) và 2 lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất (KLHDQ). Quyết định dừng lò cao được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu yếu khi ngành bất động sản (BĐS) nội địa ảm đạm.

Bên cạnh đó, công ty đã không thực hiện bất cứ hoạt động bảo trì lò cao lớn nào sau giai đoạn 2021 - 2022 (thời điểm vận hành tối đa công suất thiết kế). Kết quả là, tỷ lệ vận hành các nhà máy thép của Hòa Phát chỉ đạt 54,2% trong tháng 11 năm ngoái.

Hiệu suất vận hành các nhà máy của HPG theo tháng.

Sang năm 2023, công ty đã lần lượt khởi động lại các lò cao kể từ đầu năm, theo nhu cầu thép của thị trường. Ngày 10/7 vừa qua, HPG đã chính thức mở lại lò cao cuối cùng tại KLHDQ, đồng nghĩa việc toàn bộ 7 lò cao của công ty đều đang vận hành. Sản lượng thép thô của HPG trong tháng 7 đã tăng lên mức 633.000 tấn, tương đương hiệu suất vận hành 88,9%.

Báo cáo từ CTCK VNDIRECT ngày 23/8 cho rằng ban lãnh đạo HPG đã nhận thấy việc lực cầu của thị trường hồi phục và quyết định mở lại toàn bộ lò cao. Ngoài ra, theo kế hoạch, HPG sẽ tạm thời dừng 1 trong 3 lò cao tại KLHHD trong tháng 9 tới, nhằm phục vụ hoạt động bảo trì, nâng cấp nhà máy. Giai đoạn này dự kiến sẽ kéo dài 3 tháng và giúp nâng công suất thiết kế của lò cao tăng lên 920.000 tấn thép thô/năm (từ mức 800.000 tấn/năm trước đó). Sau khi nâng cấp, tổng công suất sản xuất thép thô của HPG sẽ tăng lên 8,62 triệu tấn, tương đương tăng 1,4% so với mức 8,5 triệu tấn hiện tại. 

Sự trở lại của các lò cao diễn ra trong bối cảnh Hòa Phát nhận nhiều tín hiệu tích cực theo thị trường chung. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép của Việt Nam đã được cải thiện trong giai đoạn tháng 5 - 7/2023.

Cụ thể, dữ liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ thép (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) trong tháng 5 đạt 1,3 triệu tấn, tăng 18% so với tháng trước, đồng thời là mức cao nhất kể từ tháng 12/2022. Mặc dù sản lượng tiêu thụ có phần hạ nhiệt trong tháng 6 - 7 sau đó, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức trung bình quý đầu năm nay. Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ vẫn liên tục cải thiện so với tháng trước đó. Vì mùa mưa tại miền Nam thường diễn ra từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm, không thuận lợi cho các hoạt động xây dựng nên VNDIRECT đánh giá sản lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục được cải thiện trong nửa cuối năm 2023.

Sản lượng tiêu thụ thép Việt Nam theo tháng (tấn).

Xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong nửa cuối năm trước khi thị trường BĐS trong nước ấm lên

Cũng theo báo cáo trên, các chuyên gia nhận định hoạt động xuất khẩu sẽ hỗ trợ sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát trong giai đoạn nửa cuối năm nay đến đầu năm 2024.

Trong quý II vừa qua, HPG đã bán gần 1,8 triệu tấn thép, tăng 11,3% so với quý trước đó chủ yếu nhờ sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) tăng mạnh 52,3% so với quý trước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.

Sản lượng tiêu thụ quý II của HRC đạt 734.221 tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ (svck) và tăng 52,3% so quý trước. Trong đó, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh lên 344.574 tấn, tương ứng tăng 520% so với quý I/2023 và so với mức 0 cùng kỳ 2022, chiếm 46,9% tổng sản lượng tiêu thụ quý II/2023. Sản lượng xuất khẩu mạnh mẽ đã bù đắp sự ảm đạm của thị trường nội địa, khi giảm 8,7% so với quý trước xuống 389.647 tấn. Các thị trường xuất khẩu HRC chính của công ty là châu Âu và Đông Nam Á.

Đối với thép xây dựng, sản lượng tiêu thụ quý II đã giảm 9,8% so quý trước xuống 784.454 tấn. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 638.052 tấn, giảm 14,1% so quý trước trong khi sản lượng xuất khẩu tăng 15% lên 146.062 tấn.

Các chuyên gia nhận định xuất khẩu HRC vẫn là điểm sáng trong tháng 7 với 181.451 tấn, tăng 85,2% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ HRC trong tháng 7 ghi nhận đạt 291.046 tấn, tăng 15,7% so tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

Hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng tiêu thụ thép của HPG kể từ tháng 4/2023.

Nhìn chung, VNDIRECT tin rằng hoạt động xuất khẩu vẫn sẽ là động lực quan trọng cho sản lượng tiêu thụ thép của HPG trong nửa cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 trước khi thị trường BĐS nội địa dần ấm trở lại. Châu Âu và Asean tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính của công ty. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu từ Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, từ đó giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu thép Viêt Nam, trong đó có HPG.

Viện Sắt thép Đông Nam Á (SEASI) dự phóng nhu cầu thép tại khối các nước Asean-6 sẽ tăng 3,4% svck trong năm 2023 lên 77,6 triệu tấn (năm 2022 tăng 0,3% svck). Động lực tăng trưởng chính đến từ hai thị trường Indonesia và Phillippines. Nhu cầu thép tại Indonesia sẽ được hỗ trợ bởi ngành xây dựng – được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng. Đối với Phillippines, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông và năng lượng của chính phủ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ ngành thép, bấp chất môi trường kinh doanh đầy biến động do lạm phát và lãi suất cao.

Nhu cầu thép tại các nước khu vực Asean-6 sẽ tăng 3,4% svck trong năm 2023.