Thị trường chứng khoán bước vào 'vùng trũng' thông tin
Đây là nhận định của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) về diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam tuần từ 15 - 19/1.
Dòng tiền tập trung vào nhóm ngân hàng
Theo ông Đinh Quang Hinh, số liệu lạm phát Mỹ được công bố mới đây cao hơn kỳ vọng sẽ làm giảm sự hưng phấn của các thị trường quốc tế. Trong nước, giá vàng vẫn đang “neo” cao, cùng đó, áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại trong những phiên gần đây là yếu tố rủi ro cần quan sát.
Ông Hinh nhìn nhận, xu hướng giằng co của thị trường chứng khoán có thể kéo sang tuần giao dịch tới khi dòng tiền chưa có sự đồng thuận và lan tỏa giữa các nhóm ngành.
Đà tăng gần đây của các chỉ số chứng khoán chủ yếu được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi các ngành khác chưa có dấu hiệu hút được dòng tiền tham gia.
Với việc nhóm ngân hàng có thể chứng kiến áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch tới, việc thị trường thiếu vắng nhóm dẫn dắt thay thế có thể xu khiến xu hướng tăng của thị trường khó được duy trì.
Về diễn biến thị trường, tuần qua, nhà đầu tư có tâm lý chốt lời và thận trọng trước thông tin chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng, VN-Index có tuần giao dịch gần như đi ngang khi kết thúc tuần với 1.154,7 điểm, không đổi so với tuần trước; HNX-Index giảm 1,1% xuống 230,31 điểm và UPCOM-Index giảm 1,1% đóng cửa tại 86,9 điểm.
Tuần qua thanh khoản tăng mạnh 25,5% so với tuần trước đó, đạt 18.664 tỷ đồng/phiên, thể hiện sự tích cực của thị trường khi nhà đầu tư giao dịch sôi động trở lại.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho biết, trong tuần qua, thanh khoản trên HoSE đạt 98.260,72 tỷ đồng, tăng 10,4% so với tuần trước, duy trì vượt mức trung bình; trong đó, thanh khoản đột biến trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, ngân hàng với khối lượng giao dịch của VN30 tăng mạnh 41,45% so với tuần trước, thể hiện dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt và tích cực trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), diễn biến thị trường chứng khoán tuần qua hầu hết là những nhịp điều chỉnh, “xanh vỏ đỏ lòng” khi dòng tiền chủ yếu tập trung nhóm ngân hàng và “ngó lơ” các cổ phiếu còn lại.
Phiên giao dịch cuối tuần, áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh mẽ, mức giảm tương đối lớn từ 2-3% ở nhiều nhóm khác nhau, song ngân hàng vẫn tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ vững chắc cứu nguy cho thị trường một phiên giảm điểm sâu.
Thực tế, nhóm cố phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường tuần qua, sau khi có diễn biến khá kém tích cực trong cả năm 2023, rất nhiều mã tiếp tục tăng giá tích cực, thanh khoản đột biến lịch sử, nổi bật như CTG tăng 8,62%, SHB tăng 6,49%, NVB tăng 6,25%, OCB tăng 4,56%, EIB tăng 4,50%, TCB tăng 4,37%...
Sự giằng co trong tuần giao dịch thứ hai của năm 2024 được thể hiện rõ qua độ mở cửa các nhóm ngành.
Cụ thể là có 11/21 nhóm ngành giảm điểm. Có 3 nhóm ngành là ngân hàng tăng 3,76%, bảo hiểm tăng 3,62%, nhựa tăng 2,73%, còn lại đều có mức tăng dưới tăng 0,75%.
Về phía giảm điểm, số nhóm ngành giảm trên 1% chiếm phần lớn với 7/11 nhóm; trong đó, tiêu cực nhất là nhóm hóa chất giảm 2,68%, hàng tiêu dùng giảm 1,64%, công nghệ viễn thông giảm 1,5%.
Nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã chịu áp lực giảm giá mạnh như FIR giảm 19,71%, HDG giảm 7,06%, HDC giảm 6,69%, HD6 giảm 6,58%, NHA giảm 6,21%....
Các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng chịu áp lực điều chỉnh với GVR giảm 6,42%, DTD giảm 5,43%, TIP giảm 5,24%, SZC giảm 4,1%...
Các cổ phiếu dầu khí đa số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh với PSH giảm 11,36%, PVB giảm 4,29%, PVC giảm 4%, PVS giảm 3,66%...
Khối ngoại có tuần bán ròng thứ hai liên tiếp từ đầu năm 2024, với mức bán ròng 614 tỷ đồng. Mặc dù vậy, điểm tích cực là khối ngoại mua ròng trở lại trong 2 phiên giao dịch gần nhất.
Tâm điểm bán ròng trong tuần thứ 2 thuộc về chứng chỉ quỹ FUEVFVND với 418 tỷ đồng, VNM (301 tỷ đồng), VRE (146 tỷ đồng). Về phía mua ròng, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục duy trì vị thế với những cái tên như VCB đạt 337 tỷ đồng, STB (191 tỷ đồng), khối ngoại cũng trở lại mua ròng HPG với 168 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định, nhịp chỉnh đã gia tăng tốc độ trong phiên giao dịch cuối tuần, sau những tín hiệu rung lắc mạnh của phiên trước đó. Mặc dù được nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là ngân hàng nâng đỡ, nhưng kết phiên cuối tuần (12/1), VN-Index vẫn giảm điểm. Đi kèm với đó là thanh khoản ở mức cao, dấu hiệu cho thấy áp lực bán vẫn còn khá mạnh. Vì vậy nhịp chỉnh theo quan điểm của CSI là chưa chấm dứt và xác suất cao sẽ còn tiếp diễn trong các phiên tới.
Theo ông Phạm Bình Phương, chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), sau nhịp tăng dài từ trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch, VN-Index đã bắt đầu có dấu hiệu điều chỉnh với phiên giảm hơn 7 điểm (lớn nhất trong nhịp tăng này) vào ngày 12/1. “Chúng tôi cho rằng nhiều khả năng chỉ số sẽ bắt đầu diễn biến điều chỉnh và mục tiêu có thể là mốc 1.130 điểm”, ông Phương nhận định.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đi ngang và động lực nâng đỡ thị trường có được từ nhóm ngành ngân hàng. Đáng chú ý là thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có điểm khá tương đồng với thị trường chứng khoán Mỹ, khi ngân hàng là nhóm cổ phiếu giúp chứng khoán nước này ghi điểm ấn tượng
Chứng khoán Mỹ đi lên nhờ cổ phiếu ngân hàng
Chứng khoán Mỹ hầu như đi ngang, sau những biến động trong phiên độ hẹp trong phiên ngày 12/1 và ghi nhận mức tăng cho cả tuần qua, giữa lúc kết quả lợi nhuận trái chiều của các ngân hàng đã lấn át số liệu lạm phát hạ nhiệt hơn dự đoán.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 118,04 điểm xuống 37.592,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 3,59 điểm lên 4.783,83 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,58 điểm lên 14.972,76 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Nasdaq tăng 3,09%, chỉ số S&P 500 ghi thêm 1,84% và chỉ số Dow Jones tăng 0,34%. Mức tăng tuần này của chỉ số S&P 500 là mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2023, trong khi chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ đầu tháng 11 năm ngoái.
Đáng chú ý trong phiên này là diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi thị trường đón nhận các kết quả lợi nhuận trái chiều của các ngân hàng lớn.
Trong đó, cổ phiếu của Bank of America giảm 1,06% sau khi lợi nhuận quý IV/2023 giảm do các chi phí một lần lên đến 3,7 tỷ USD. Cảnh báo của Wells Fargo về khả năng thu nhập lãi ròng giảm 7-9% trong năm 2024 đã đẩy cổ phiếu của ngân hàng này giảm 3,34%.
Trong khi đó, cổ phiếu của Citigroup tăng sau khi ghi nhận khoản lỗ 1,8 tỷ USD trong quý trước và cho biết có thể sẽ cắt giảm nhân sự hơn nữa. Cổ phiếu của JPMorgan Chase lại giảm 0,73% dù báo cáo mức lợi nhuận cả năm cao nhất từ trước đến nay và dự đoán thu nhập lãi tăng lên trong năm 2024.
Số liệu được công bố ngày 12/1 cho thấy giá sản xuất tại Mỹ đã bất ngờ giảm xuống trong tháng trước, khi giá các mặt hàng như thực phẩm và dầu diesel giảm. Trong khi đó, giá dịch vụ không biến động tháng thứ ba liên tiếp.
Những dự đoán về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba đã tăng từ 73,2% trước đó lên 79,5%, theo công cụ FedWatch của CME. Số liệu ngày 12/1 cũng khiến lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ giảm, dù những bình luận gần đây của các quan chức Fed đã đẩy lùi phần nào khả năng hạ lãi suất.
Chứng khoán toàn cầu phần lớn đã sụt giảm kể từ đầu năm 2024, khi các nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng họ có thể đã quá vội vàng vào cuối năm 2023 khi đoán định Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024.
Tại cuộc họp tháng 12/2023, Fed đã báo hiệu sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, trong khi các nhà phân tích đã dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi.
Tuy vậy, sau khi biên bản của cuộc họp đó được công bố và báo cáo việc làm của Mỹ vượt dự báo đã buộc các nhà giao dịch phải giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát giảm.