Thị trường điện gió Việt Nam: Để miếng bánh lớn không mãi là 'tương lai'
Hội nghị quy tụ những đại diện đầu ngành trong nước và quốc tế cũng như đại diện Chính phủ Việt Nam để thảo luận về sự phát triển của ngành điện gió tại Việt Nam.
Chưa thể cất cánh
Tại cuộc họp báo trước giờ Hội nghị khai mạc, ông Bùi Vĩnh Thắng, Tập đoàn Mainstream Mainstream Renewable Power (nhà phát triển độc lập hàng đầu về điện gió và điện mặt trời tại các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ) nhận định: Cơ chế của Chính phủ Việt Nam cho điện gió đã có từ năm 2012 nhưng cho đến nay thị trường điện gió chưa thể cất cánh. Lý do ông Thắng đưa ra liên quan đến bất cập lớn từ hợp đồng mua bán điện, rủi ro tín dụng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, cả điện gió và điện mặt trời, trong hợp đồng mua bán điện (PPA) chuẩn, mẫu mà Bộ Công Thương đưa ra rất khó để có thể huy động vốn bởi những điều khoản mang lại rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư. Đây là hạn chế lớn nhất về cơ chế hiện nay.
Bàn về rào cản cơ chế, tại Hội nghị, ông Morten Dyrholm, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Vestas Wind Systems A/S tại Copenhagen, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (Global Wind Energy Council), Phó Chủ tịch Hiệp hội Gió Đan Mạch bày tỏ sự ngạc nhiên thị trường này lại không phát triển nhanh tại Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng điện năng và cam kết chính trị thúc đẩy thị trường điện năng của Việt Nam đang rất lớn.
“Điện tái tạo đang cạnh tranh tốt. Chúng ta phải xây dựng dự án quy mô lớn hơn nữa. Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội, nhưng không thể tách khỏi xu thế phát triển tất yếu của lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ giúp Việt Nam tạo cung ứng tốt hơn, tạo thêm việc làm và tăng trưởng cho nền kinh tế. Tất cả những khuyến nghị chúng tôi đã đưa ra rồi. Điều chúng tôi muốn đạt được là cần có chính sách mạnh mẽ, nhanh hơn nữa. Chúng tôi muốn phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam để đưa ra tư vấn hiệu quả để phát triển dự án từ quy mô nhỏ đến lớn”, ông Morten Dyrholm nói.
Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng, Sở Công nghiệp Bình Thuận, ông Dương Tấn Long thì nhận định: 10 năm qua, dự án điện gió tại Bình Thuận phát triển không như mong muốn cũng chính bởi Việt Nam chưa có một cơ chế chính sách về năng lượng tái tạo, tất cả mới chỉ dừng lại ở nghị định, quyết định. Cùng với đó là những khó khăn về đất đai và lưới điện. Việc giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai đều do nhà đầu tư phải làm chứ không phải nhà nước. Tuy ra đời sau nhưng các dự án điện mặt trời lại đang chiếm lĩnh những lưới điện mà trước đó, điện gió đã quy hoạch. Bộ Công Thương hiện chưa có giải pháp nâng công suất về lưới điện truyền tải. “Cần có cơ chế chính sách rõ ràng, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Chúng ta phải thay đổi cơ chế chính sách thì mới phát triển được các dự án điện gió”, ông Long chia sẻ.
Để phát huy hết tiềm năng gió dồi dào
Đó là, hợp đồng mua bán điện (PPA) phải được chuẩn hóa. PPA là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn. PPA được chuẩn hóa, minh bạch và được các tổ chức tài chính chấp nhận là cần thiết để giảm rủi ro và chi phí vốn.
Quy trình phê duyệt dự án phải rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư cũng như tối đa hóa tăng trưởng ngành.
Tiếp nữa là quy hoạch trước hạ tầng lưới điện, đảm bảo bổ sung thành công nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời vào hệ thống.
Đồng thời, thành lập Hiệp hội Điện gió quốc gia đủ mạnh để hỗ trợ ngành phát triển lành mạnh. Qua đó, Hiệp hội Điện gió toàn cầu sẵn sàng tạo điều kiện và trợ giúp để ngành điện gió Việt Nam phát triển hơn nữa. Thực tiễn này đã được áp dụng trên nhiều quốc gia đứng đầu về điện gió như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Đan Mạch, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Brazil, Vương quốc Anh, Pháp và Mexico.
Ngoài khuyến nghị trong Tuyên bố ngành, các chuyên gia tham dự Hội nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu thầu các dự án điện gió tại Việt Nam.
Theo ông Tobias Cossen, Việt Nam cần làm rõ việc sắp tới thực hiện cơ chế đấu thầu hay chỉ duy trì cơ chế IT (feed-in-tariff) - cơ chế mà Việt Nam đang áp dụng trong việc khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống.
“Cơ chế đấu thầu là cách thức tối đa hóa lợi ích của loại hình năng lượng tái tạo. Giai đoạn tới đây Việt Nam sẽ cần đến cơ chế này, hoàn toàn dựa vào cơ chế thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng vì Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn sơ khai của cơ chế thị trường. Việt Nam phải có mục tiêu đưa ra minh bạch, rõ ràng và cần chiến lược dài hơi, không quá vội vàng thì mới tiến hành đấu thầu hiệu quả. Đấu thầu ở Việt Nam là chìa khóa mở ra cơ hội giảm giá thành điện gió”, ông Morten Dyrholm bổ sung thêm.
Như vậy, tiến tới một thị trường điện gió phát triển, Việt Nam còn rất nhiều bước phải làm. Sự phát triển này vẫn nằm trong hy vọng, theo lối ví von đáng suy nghĩ của ông Tobias Cossen khi phát biểu tại Hội nghị: “Miếng bánh lớn cho thị trường điện gió tại Việt Nam vẫn là tương lai, mà tương lai thì còn nhiều bất định”.