Thị trường EU, Mỹ có xu hướng giảm do ảnh hưởng từ quyết định phòng dịch

07:42 | 22/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngay trong tháng 3 đã có rất nhiều các hợp đồng, đơn hàng bị hủy, số lượng đơn hàng mới giảm. Điều này cho thấy, thực tế đang diễn ra phù hợp với báo cáo và diễn biến của dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp hơn.

Chia sẻ bên lề cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay vẫn chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU hay Hoa Kỳ về việc dừng nhập hàng dệt may từ Việt Nam. Điều này đơn thuần chỉ là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này do gặp khó khăn từ dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU và Hoa Kỳ đang hoãn, hủy buộc cơ quan chức năng phải tính ngay phương án giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Thị trường EU, Mỹ có xu hướng giảm do ảnh hưởng từ quyết định phòng dịch - ảnh 1
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Thưa Bộ trưởng, hiện các đối tác EU và Mỹ là muốn các doanh nghiệp Việt Nam giãn thời gian giao hàng. Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước tiên phải khẳng định, trong quan hệ với các thị trường trọng điểm của Việt Nam, châu Âu và bắc Mỹ luôn là đối tượng được quan tâm của Bộ Công Thương và Chính phủ trong tăng trưởng và phát triển thương mại. Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp công nghiệp, phân phối trong các chuỗi cung ứng của Việt Nam đã gặp khó khăn khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc và lan ra các nước khác.
Khó khăn bắt nguồn từ nguồn cung phục vụ cho các chuỗi cung ưng  như dệt may, da giày, đồ gỗ… mà các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia tại khu vực châu Âu, bắc Mỹ cũng như các thị trường khác trên thế giới.
Với sự phát triển dịch COVID-19 nhanh tại châu Âu và bắc Mỹ đã khiến các quốc gia này bắt buộc phải thực hiện một số chính sách phòng chống dịch bệnh quyết liệt và triệt để hơn. Trong đó bao gồm cả những biện pháp như phong tỏa các khu vực, thành phố, các bang, thậm chí phong tỏa cả quốc gia. Các biện pháp này sẽ buộc phải ngăn chặn tất cả các hoạt động như vận chuyển, phân phối hàng hóa, chuỗi cung ứng…giữa Việt Nam với các nước đó.
Cuối tháng 2 đã có một số đơn hàng, hợp đồng bị giãn tiến độ, nhưng chủ yếu do nguồn cung. Đến đầu tháng 3, hiện tượng giãn tiến độ, thậm chí hủy các đơn hàng, không có đơn hàng mới bắt đầu trở nên phổ biến trong lĩnh vực dệt may và da giày. Việc hủy đơn hàng trước tiên diễn ra tại châu Âu và bây giờ là bắc Mỹ.
Vậy hiện tượng giãn tiến độ thậm chí hủy các đơn hàng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp Việt Nam, thưa Bộ trưởng?
Bộ Công Thương luôn bám sát diễn biến thị trường toàn cầu, cũng như các thị trường trọng điểm của Việt Nam, đồng thời phân tích, dự báo diễn biến của dịch bệnh để có sự chủ động từ phía chính phủ đến các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo với Thủ tướng và khẳng định, dịch bệnh với quy mô như hiện nay sẽ có ảnh hưởng đến cầu tại các thị trường lớn của Việt Nam, trong đó có châu Âu và bắc Mỹ. Như vậy, việc này sẽ ảnh hưởng trong quý II và III đến phát triển thị trường của Việt Nam tại hai khu vực này.
Ngay trong tháng 3 đã có rất nhiều các hợp đồng, đơn hàng bị hủy, số lượng đơn hàng mới giảm. Điều này cho thấy, thực tế đang diễn ra phù hợp với báo cáo và diễn biến của dịch VOVID-19 đang ngày càng phức tạp hơn. Do đó, Bộ Công Thương đã dự báo quy mô và phạm vi ảnh hưởng sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Bởi vì tại thời điểm này vẫn chưa phải là đỉnh của dịch COVID-19 tại châu Âu và bắc Mỹ.
Điều này có nghĩa, các giải pháp của châu Âu và bắc Mỹ mặc dù đã rất kiên quyết và triệt để trong phong tỏa cũng như lưu thông, nhưng theo đánh giá của Bộ Công Thương vẫn chưa mang lại hiệu. Như vậy, thời gian tới sẽ còn phức tạp hơn trong phòng chống dịch bệnh, cũng như tác động đến kinh tế, thương mại của các nước trên, kể cả thương mại nội địa cũng như quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Thị trường EU, Mỹ có xu hướng giảm do ảnh hưởng từ quyết định phòng dịch - ảnh 2
 Một dây chuyền sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn.
 Trong tình hình khó khăn như vậy, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp?
Bằng sự chủ động của các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương, chúng ta đang làm rất chặt chẽ, kịp thời theo chỉ đạo của chính phủ. Ưu tiên đầu tiên là phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Có nghĩa tất cả các hoạt động kinh tế, thương mại…phải dựa trên nền tảng, nguyên tắc và chỉ đạo cơ bản của chính phủ trong phòng chống dịch bệnh là đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người dân, khống chế dịch bệnh tại Việt Nam có hiệu quả.
Như Thủ tướng đã nói phải thực hiện mục tiêu kép, đó là vừa tháo gỡ khó khăn để giảm bớt thiệt hại về kinh tế cho đất nước, nhưng vẫn phải đạt được mục tiêu ban đầu. Vì vậy, việc khắc phục và hạn chế dịch bệnh của các nước có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển thương mại của Việt Nam.
Do đó, thứ nhất là phải thực hiện nghiêm những chỉ đạo của chính phủ về phòng chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe  cho người dân. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ hai, phải theo dõi sát sao diễn biến của dịch bệnh, phối hợp với quốc tế trong phòng chống dịch bệnh giữa Việt Nam với các nước.
Thứ ba, dự báo những tác động trực tiếp đến các ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam, kể cả những tác động xấu, như cắt giảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, bao gồm cả xuất nhập khẩu. Vì đây là vấn đề mang tính bất khả kháng, nên doanh nghiệp cũng phải tiên lượng trước để xây dựng kế hoạch vượt qua khó khăn bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Thưa Bộ trưởng, hiện nhu cầu về khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn đang gia tăng cả trong nước lẫn thế giới. Vậy đây có phải là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may không?
Mới đây, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp trước mắt, đã đề xuất cho phép phát triển mạnh ngành công nghiệp dệt may với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn.
Xét về mặt chuyên môn, loại khẩu trang vải này có hiệu quả trong phòng chống bệnh, do đó có thể trở thành một sản phẩm mới của ngành công nghiệp dệt may với thị trường trong nước. Bên cạnh đó, thế giới cũng đang rất cần loại khẩu trang này cũng như các vật phẩm y tế khác.
Thông qua nắm bắt thực tế của thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp, Bộ Công thương đã đề xuất cho phép phát triển ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn.
Công suất hiện nay khoảng 40 triệu khẩu trang mỗi tháng với nguồn nguyên liệu tự chủ và hoàn toàn cung ứng được. Nếu tổ chức lại ngành dệt may và dây truyền sản xuất, công suất có thể nâng lên mức 200 – 300 triệu khẩu trang/ tháng, từ đó có thể tiếp cận thị trường thế giới ở quy mô rất lớn.
Điều đáng chú ý là khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn là sản phẩm mới, do đó cần tạo ra thị trường trong nước ổn định để doanh nghiệp có thể chuyển hẳn sang sản xuất sản phẩm này, từ đó có những đầu tư về dây chuyền sản xuất và đội ngũ nhân công.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!