Thị trường fintech Việt Nam dự báo đạt 8 tỉ USD năm 2020
Ảnh hưởng của công nghệ tài chính (fintech) đang lan rộng trên toàn cầu. Theo PwC, các công ty fintech đã thu hút hơn 40 tỉ đô la Mỹ đầu tư trong suốt bốn năm qua. Các tổ chức cũng chạy đua hợp tác với những công ty fintech hàng đầu. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến gần 15 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào fintech trong khoảng thời gian từ tháng 01/2016 đến tháng 02/2017. Việt Nam đang tận dụng những cơ hội có thật trong lĩnh vực fintech.
Số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đang giúp lĩnh vực fintech tại Việt Nam bùng nổ - Ảnh: Thomas Koehler/Photothek via Getty Images
Bầu trời không giới hạn
Thị trường fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017, và sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance. Trong báo cáo công bố mới đây mang tên “Unlocking Vietnam's Fintech Growth Potential” (giải phóng tiềm năng tăng trưởng của fintech tại Việt Nam), Solidiance ghi nhận điểm cộng cho một số yếu tố bao gồm tỉ lệ người sử dụng internet và smartphone lớn tại các đô thị, các loại ví điện tử ngày càng phổ biến, thu nhập và tiêu dùng gia tăng và thương mại điện tử phát triển.
Solidiance cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo ra một “môi trường hỗ trợ ngày càng gia tăng” thông qua việc thành lập Ban chỉ đạo fintech và các biện pháp khác. Nếu chính phủ thành công trong kế hoạch đạt 70% dân số trên độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng trong vòng hai năm tới, thì cũng sẽ đồng thời thúc đẩy thị trường fintech, nơi mà các startup đã tạo ra sẵn những giải pháp như dịch vụ ngân hàng phong cách sống hay ví điện tử và các giải pháp thanh toán số.
Michael Sieburg, associate partner (vị trí cao thứ hai, chỉ sau cấp partner tại công ty tư vấn) tại Solidiance cho biết, điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hướng đi của Chính phủ trong những năm tới đây. “Điều quan trọng là nhận ra bước tiến của Ban chỉ đạo Fintech của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Đây là một bước đi quan trọng và minh chứng cho cách tiếp cận nghiêm túc của Chính phủ trong việc phát triển một khuôn khổ hướng cho ngành fintech phát triển”, Michael Sieburg cho biết. “Tuy nhiên, vấn đề chính là các quy định về pháp lý phải theo kịp tốc độ phát triển và điều hướng cho các sản phẩm và dịch vụ mới để họ có thể hoạt động với tiềm năng như dự đoán và không bị vướng vào các rủi ro liên quan đến quy định.”
Ông cũng lưu ý rằng thời gian phê duyệt các thủ tục, giấy phép kéo dài có thể cản trở bước tiến và sự phát triển của ngành fintech tại Việt Nam. “Tìm kiếm sự cân bằng giữa khuyến khích đổi mới và bảo vệ lợi ích chung sẽ là vấn đề chính”, Sieburg nói.
Đẩy mạnh số hóa
Hiện tại, các giải pháp thanh toán số đang chiếm tới 89% thị trường fintech tại Việt Nam, theo Solidiance. Công ty cũng dự báo, lĩnh vực tài chính cá nhân và doanh nghiệp sẽ tăng trưởng lần lượt 31,2% và 35,9% vào năm 2025. Sự phát triển này sẽ được điều hướng bởi sự thúc đẩy của Chính phủ trong việc chuyển đổi hình thức giao dịch dựa trên tiền mặt. Năm ngoái, Chính phủ Việt Nam lên kế hoạch sẽ giảm tỉ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa và phân phối xuống dưới 10% vào năm 2020.
Thị trường fintech tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào các thanh toán điện tử, với tỉ trọng chiếm đến 89% - Ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images
Trước khi điều đó có thể xảy ra, những con số thống kê về tài chính cũng cần gia tăng. Đơn cử như trong năm 2014, chỉ có 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank). Có một số lý do lý giải cho vấn đề này, trong đó bao gồm chi phí giao dịch cao, nhiều yêu cầu về giấy tờ liên quan, thiếu hụt các dịch vụ tài chính phù hợp với người tiêu dùng và hoài nghi vẫn tồn tại đối với lĩnh vực tài chính.
Chất xúc tác từ thiết bị di động
Ông Sieburg chia sẻ, các quá trình phát triển của tài chính sẽ được thúc đẩy bởi tỉ lệ cao những người sử dụng smartphone. Năm 2017, 84% người dùng thoại di động ở Việt Nam sử dụng smartphone. Các ứng dụng thanh toán điện tử có thể thu hút nhóm khách hàng là những người chưa từng tiếp cận với hệ thống ngân hàng truyền thống, mở đường cho một xã hội không tiền mặt hoặc ít phụ thuộc hơn vào tiền mặt. “Các hình thức thanh toán số hóa có thể làm thay đổi không những thị trường bán lẻ và thanh toán hóa đơn, mà còn thanh toán các dịch vụ công, một thách thức hiện tại ở các khu vực nông thôn nơi mà tỉ lệ người sử dụng ngân hàng vẫn còn thấp,” Sieburg cho biết.
Đó là những việc quan trọng cần làm nếu Việt Nam muốn hiện thực hoá tham vọng về fintech, tuy nhiên Sieburg dự đoán những vấn đề lớn mà quốc gia phải đối diện trong tương lai. “Trong thập kỉ tiếp theo, Việt Nam sẽ nổi lên như người dẫn đầu trong khu vực về phát triển giải pháp đổi mới fintech,” ông nói. “Có rất nhiều tiềm năng ở đây (...) Với một dân số luôn cởi mở với công nghệ, sôi động, trẻ trung và sẵn sàng đón nhận cái mới, tôi hào hứng với những gì sẽ diễn ra tại đây.”
Từ sự tấp nập của cộng đồng startup đến những sáng kiến đổi mới trong các tổ chức truyền thống, Sieburg nhận thấy những dấu hiệu của sự phát triển thực sự. Song hành cùng hệ sinh thái của các quy định theo hướng hỗ trợ, có lý do chính đáng để nghĩ rằng, fintech của Việt Nam là một lĩnh vực đáng theo dõi.
Theo Forbesvietnam