Thị trường gọi xe Việt Nam: Grab vẫn chiếm 55% thị phần, Maxim lần đầu xuất hiện trong BXH

Quỳnh Như 12:00 | 23/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Báo cáo mới nhất của Rakuten Insight, Grab vẫn là vua ở ngành gọi xe công nghệ tại Việt Nam – chiếm 55% thị phần, Xanh SM xếp thứ 2 với 32%, tiếp theo là Be với 9%. Mặt khác, ứng dụng Maxim lần đầu xuất hiện trong một BXH về thị phần – với 1%.

Mới đây, Rakuten Insight – công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến hàng đầu châu Á, đã công bố một báo cáo mang tên “Toàn cảnh ứng dụng gọi xe tại Việt Nam 2025”. Theo đó, Rakuten Insight đã nhận được câu trả lời khảo sát từ 7.436 người dùng trên 16 tuổi ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần thơ thông qua hình thức trực tuyến.

Kết quả khảo sát cho thấy: người dân Việt Nam ngày càng mở lòng với các ứng dụng gọi xe, 77% người khảo sát cho biết đã đặt xe máy hoặc ô tô trên các app gọi xe công nghệ ít nhất 3 lần/tháng.

Một vài chỉ số trong báo cáo của Rakuten Insight. (Ảnh chụp màn hình)

Hầu hết người Việt Nam không đi làm hàng ngày bằng Grab, họ thường đặt xe cho dịp gì đó đặc biệt. Ví dụ: 42% đặt đến các buổi tụ họp xã hội, 37% đặt cho hẹn hò cà phê – ăn uống, 36% đặt cho các chuyến shopping và 33% cho việc tham dự sự kiện/tiệc tùng. Người Việt Nam thường tự lái xe đi làm, chỉ một số ít thường xuyên dùng Grab cho việc đó, khi có 32% đặt xe để đi đến văn phòng và 30% để di chuyển từ văn phòng về nhà.

App đặt xe mà người dùng Việt Nam sử dụng thường xuyên nhất là Grab, khi có 55 người dùng ở các thành phố lớn và 54% ở các khu vực khác lựa chọn. Grab mạnh ở cả hai dịch vụ Gọi xe ô tô và Gọi xe máy. Tiếp theo, có 32% người dùng đã chọn Xanh SM, trong đó tỷ lệ ở thành phố lớn là 33% và các khu vực khác là 30%. Đứng thứ ba là Be với 9% cùng các tay chơi nhỏ hơn như Mai Linh 2%, Vinasun 1% và Maxim 1%.

Lần đầu tiên Maxim lọt vào BXH thị phần trong một báo cáo về thị trường gọi xe Việt Nam. Maxim là ứng dụng gọi xe đến từ Nga, họ vào Việt Nam năm 2020 và đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Cho tới thời điểm này, Maxim đã có mặt ở 14 tỉnh thành ở Việt Nam, song chỉ triển khai 2 dịch vụ là Taxi và Chuyển phát nhanh.

Trên website, Maxim cho biết đã mở rộng ra 22 nước. (Ảnh chụp màn hình)

Trên website của mình, Maxim cho biết đã mở rộng thị trường ra 22 nước trên toàn thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Maxim đã đến Indonesia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Phillippines.

Có 2 nguyên do chính khiến Grab chiến thắng trong lòng người dùng Việt: 26% người dùng chọn app Grab vì đặt xe nhanh và dễ dàng cho dù đó là lúc cao điểm, mưa hay sáng sớm hoặc đêm khuya; 17% yêu thích vì quá trình đặt các dịch vụ đơn giản.

Xanh SM được 16% người dùng yêu thích vì dịch vụ tốt với tài xế lịch sự, xe mới và sạch sẽ khiến không khí trong xe dễ chịu. Thế mạnh của Be là giá rẻ: 24% người dùng chọn Be vì có khuyến mãi tốt nhất và 24% là vì mức giá cạnh tranh.

Mức chi tiêu của người dùng Việt Nam cho 2 dịch vụ Gọi xe ô tô và Gọi xe máy. (Ảnh chụp màn hình)

Cuối cùng, trung bình số tiền mà người dùng Việt Nam trả cho dịch vụ Gọi xe ô tô vào khoảng 245.450 đồng/tháng, người dùng ở các thành phố lớn chi trả cao hơn với 252.101 đồng, ở các thành phố khác là 219.518 đồng. Bên cạnh đó, người dùng Việt mỗi tháng cũng tiêu cho dịch vụ Gọi xe máy 102.996 đồng, ở thành phố là 104.907 đồng, ở các khu vực khác thấp hơi với 94.880 đồng.

 “Vào năm 2025, các ứng dụng gọi xe đã làm thay đổi giao thông đô thị tại Việt Nam, phản ánh thói quen tiêu dùng đang ngày càng thay đổi. Một bộ phận đáng kể dân số Việt Nam sử dụng các dịch vụ gọi xe để đi lại, tham gia hoạt động xã hội và đi ăn chơi; nhấn mạnh tầm quan trọng của các app gọi xe công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.

Trong số các ứng dụng gọi xe, Grab là thương hiệu được các đáp viên sử dụng thường xuyên nhất, tiếp theo là Xanh SM và Be. Người dùng ưu tiên tính khả dụng trong thời gian cao điểm và khả năng chi trả, cả hai đều ảnh hưởng lớn đến lựa chọn thương hiệu của họ.

Mức chi tiêu trong Báo cáo cho thấy: người tiêu dùng thành thị sẵn sàng trả thêm tiền cho sự tiện lợi của các dịch vụ gọi xe, đặc biệt là ở các thành phố đông dân, nơi có thị trường tiêu dùng phát triển mạnh mẽ cùng với tiềm năng mở rộng hơn nữa trong tương lai”, đại diện Rakuten Insight kết luận.

 

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.

Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.