Thị trường quốc tế mới khôi phục về 70% mức trước dịch, triển vọng nào cho KQKD của Vietnam Airlines năm nay?

Thùy Dương 17:00 | 05/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đánh giá từ Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA), thị trường hàng không quốc tế tiếp tục phục hồi mạnh trong các tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, các thị trường quốc tế quen thuộc của hãng vẫn đang ghi nhận tăng trưởng chậm. Cho đến tháng 6 vừa qua, tổng thị trường quốc tế mới bằng khoảng 70% so với trước dịch.

Đến tháng 6, tổng thị trường quốc tế của Vietnam Airlines mới bằng 70% trước dịch

Ngày 4/7, Cục Hàng không Việt Nam cập nhật số liệu từ AAPA cho biết, trong tháng 5/2023, thị trường hàng không quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh khi các chuyến bay trong khu vực được khôi phục. Theo AAPA, các hãng hàng không trong khu vực trong tháng 5 đã tăng số lượng chuyên chở hành khách quốc tế thêm 193,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 21,4 triệu lượt hành khách. Hệ số vận tải hành khách quốc tế trung bình cũng tăng 5,9 điểm phần trăm lên 77,9% trong thời gian này.

Ông Subhas Menon, Tổng giám đốc AAPA cho biết, nhu cầu du lịch mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi về nhu cầu của hành khách, vốn đã tăng gần gấp 3 lần trong tháng 5 ở cả phân khúc cao cấp và trung bình. Về phía các hãng bay, ông Subhas Menon nhận định rằng nhìn chung, triển vọng của các hãng hàng không vẫn tích cực, với việc giá dầu điều chỉnh gần đây đã hỗ trợ giảm bớt chi phí hoạt động mặc dù ngành sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực lạm phát.

Tuy nhiên trong các phát ngôn gần đây, ban lãnh đạo hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vẫn thận trọng với triển vọng kinh doanh nửa cuối năm, dù doanh thu 6 tháng đầu năm đã vượt kế hoạch nghìn tỷ.

Cụ thể, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 (chiều ngày 30/6), đại diện ban lãnh đạo, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám Đốc Vietnam Airlines cho hay doanh thu hợp nhất ước tính 6 tháng đầu năm của hãng hàng không quốc gia đạt 45.255 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn kế hoạch khoảng 1.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, tổng số chuyến bay Vietnam Airlines đã thực hiện đạt 64.300 chuyến, với tổng số giờ bay là 148.270 giờ. Vận chuyển hành khách ước đạt 10,14 triệu khách, tăng 23,6% cùng kỳ. Kết quả vận chuyển hàng hóa, bưu kiện ước đạt 103.287 tấn, bằng 91% cùng kỳ.

Theo đại diện hãng bay, luồng khách đi lại dịp sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và trở về Việt Nam trước và sau Tết Nguyên đán giúp hiệu suất ghế của hầu hết thị trường đều ở mức cao, đặc biệt là các thị trường đường dài châu Âu, Úc, Mỹ. Tuy nhiên, thị trường Đông Bắc Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc vẫn phục hồi rất chậm so với dự báo.

Dự báo cho nửa còn lại của năm, theo đánh giá của ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, dù doanh thu hồi phục mạnh, công ty vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong 6 tháng tiếp theo.

“Năm 2023 đã đi qua được nửa chặng đường, mặc dù dịch bệnh đã ở phía sau nhưng những hệ lụy cộng dồn của nó, cùng với xung đột tại châu Âu vẫn tác động đến nhiều mặt của kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới. Giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, lạm phát tăng, suy thoái kinh tế bắt đầu diễn ra ở nhiều nước và sức mua của người dân giảm rõ rệt”, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà chia sẻ về những thách thức với hãng bay.

Về thị trường nội địa, ông Hòa cho biết thị trường ghi nhận những diễn biến nhanh và trái chiều. “Những tháng gần đây, thị trường vẫn ở mức cao hơn 2019 nhưng đã có dấu hiệu giảm 10-15%”, theo vị Chủ tịch.

Trong khi đó, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm, đặc biệt các thị trường quan trọng của Vietnam Airlines như Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), thậm chí Nhật Bản. “Đồng Yên của Nhật Bản mất giá mạnh thời gian gần đây cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của hãng. Cho đến tháng 6 vừa qua, tổng thị trường quốc tế mới bằng khoảng 70% so với trước dịch”, Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết.

Nhìn chung, theo đại diện hãng bay quốc gia, tình trạng lạm phát và suy thoái kinh tế bắt đầu xảy ra ở một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường quan trọng của Vietnam Airlines; Tỷ giá các đồng tiền bản địa, trong đó có đồng Việt Nam, diễn biến không thuận lợi; Xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; Giá dầu mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao khiến chi phí tăng cao so với giai đoạn trước dịch... là những thách thức lớn với hãng bay. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, tình hình kinh tế trong nước được dự báo tiếp tục khó khăn đến hết năm 2023, ảnh hưởng tới nhu cầu đi lại của người dân. Tình trạng dư thừa tải do các hãng tăng cường đổ tải, đặc biệt trong các tháng thấp điểm, từ tháng 9 - 12/2023. Đây là những nguyên nhân khiến Vietnam Airlines thận trọng với tình hình kinh doanh từ nay đến cuối năm.

Cho đến nay, Vietnam Airlines vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.  Trong báo cáo tài chính 2022 tự lập, hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ ròng 10,4 nghìn tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp báo lỗ. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 ghi nhận âm 10 nghìn tỷ đồng. 

Trong một thông báo mới đây, Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM cho biết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 11/7/2023 do công ty chưa họp Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 2022, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.

Trước đó, HĐQT Vietnam Airlines từng ban hành quyết định về việc sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 vào ngày 20/6, nhưng sau đó thông báo lùi thời gian họp sang sau ngày 30/6 với lý do cần thêm thời gian để chuẩn bị cho đại hội. Theo dự kiến mới nhất của Vietnam Airlines, hãng bay này sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ trước 30/8.

Dự báo đến 2026, sản lượng khách quốc tế của Vietnam Airlines mới hồi phục về mức trước dịch

Chung nhận định về những thách thức vẫn tiếp tục tồn tại, các chuyên gia CTCK Vietcap (VCSC) trước đó cũng dự báo ít nhất đến 2026, sản lượng khách quốc tế của Vietnam Airlines mới hồi phục về mức trước dịch.

Theo đó, VCSC duy trì quan điểm thận trọng về sự phục hồi lượng khách quốc tế của Vietnam Airlines trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại của Trung Quốc khi nhận thấy hoạt động du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam chậm được nối lại từ giai đoạn đầu quý II. 

Các chuyên gia điều chỉnh dự báo sản lượng hành khách quốc tế của Vietnam Airlines trong các năm 2023, 2024, 2025, 2026 lần lượt tương đương với 58%, 86%, 94%, 100% của năm 2019 so với mức tương ứng là 60%, 100%, 110%, 118% năm 2019 trong những dự báo trước đó. Điều này đồng nghĩa đến ít nhất năm 2026, lượng khách quốc tế của Vietnam Airlines mới phục hồi về mức trước dịch, thay vì dự báo trước đó là vào năm 2024.

Cũng theo VCSC, giá nhiên liệu máy bay cao tiếp tục ảnh hưởng đến biên lãi gộp trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines trong năm 2023. Các chuyên gia nâng giả định spread (chênh lệch giá) nhiên liệu máy bay thêm lần lượt 6% và 27% trong năm 2023 và 2024 so với các dự báo trước đây của VCSC. Do đó, giả định biên lãi gộp của Vietnam Airlines trong năm 2 năm này sẽ lần lượt giảm xuống -1,4% và 3,3% so với 0,3% và 4,7% trong dự báo trước đây.

 

Trong năm 2023, các chuyên gia VCSC dự báo Vietnam Airlines sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ ròng hơn 8 nghìn tỷ đồng, tức giảm khoảng 1/4 so với mức lỗ ròng 10.400 tỷ của năm 2022. Kết quả này dựa trên dự báo thận trọng rằng hoạt động vận tải quốc tế sẽ dần phục hồi nhưng trong bối cảnh giá nhiên liệu cao và Vietnam Airlines có đòn bẩy hoạt động cao. 

Sang giai đoạn 2024 - 2025, dự báo Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu vượt 100 nghìn tỷ, nhưng vẫn tiếp tục lỗ ròng, dù mức lỗ dần cải thiện, giảm về lần lượt -4,4 nghìn tỷ và -2,6 nghìn tỷ.