Thị trường tiền tệ tháng cuối năm: Tín dụng tăng tốc, cung tiền hồi phục chậm

H.T 07:33 | 03/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023 đã khép lại với ước tính tăng trưởng tín dụng đạt hơn 11% nhờ đà tăng tốc vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn tiếp tục dư thừa khi nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu.

Tín dụng tăng tốc

Trong hai tháng cuối năm, tín dụng tiếp tục tăng tốc mặc dù xác suất cao sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO),tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến 21/12 đạt 11,09%, thấp hơn mức cùng thời điểm năm trước tăng 12,87%. Trước đó, theo số liệu công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20/12, tín dụng đã tăng 10,85% cao hơn nhiều mức tăng 7,0% trong 10 tháng đầu năm.

Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 đạt 11-12%, tỷ lệ tín dụng/GDP tính đến cuối năm 2023 ước khoảng 128%, cao hơn mức 125% tại thời điểm cuối năm 2022.

Xu hướng tín dụng trong 10 tháng đầu năm cho thấy tín dụng vào lĩnh vực xuất khẩu và vận tải hồi phục sau khi tăng trưởng âm trong năm 2022; tín dụng của nhóm công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao và chứng khoán tăng tích cực dù chiếm quy mô tương đối nhỏ trong tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống; lĩnh vực thương mại và kinh doanh bất động sản đóng vai trò lớn trong việc mở rộng tín dụng và nhu cầu vay mua nhà và tiêu dùng năm 2023 là rất yếu.

Số liệu mới công bố của NHNN cho thấy trong 10 tháng đầu năm, cho vay khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm khoảng 18,3% tổng quy mô tín dụng) tăng 6,3%, thấp hơn mức tăng 9% năm 2022.

Trái lại, tăng trưởng tín dụng có sự phục hồi ở nhóm công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu và công nghệ cao. Mức tăng trưởng ghi nhận lần lượt là 18,5%, 11,6% và 18% trong 10 tháng, tổng quy mô của nhóm này chiếm khoảng 5,6% tổng quy mô tín dụng.

 

Đối với nhóm lĩnh vực rủi ro, quy mô tín dụng của lĩnh vực chứng khoán gần như mở rộng gấp đôi trong năm nay, dù chỉ chiếm 0,64% tổng quy mô tín dụng toàn hệ thống.

Tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tăng trưởng đến 23% so với đầu năm, chiếm 7,6% tổng quy mô tín dụng. Trong khi đó, tín dụng cho vay mua nhà tăng trưởng âm 1% và cho vay tiêu dùng chỉ tăng 1,5% so với đầu năm.

Lĩnh vực thương mại ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực nhất trong 10 tháng đầu năm (+11,9% so với đầu năm), lĩnh vực vận tải (+12,4% so với đầu năm).

Lãi suất huy động giảm về mức thấp kỷ lục

Trái với xu hướng tăng tốc của nhu cầu tín dụng trong hai tháng cuối năm, xu hướng giảm của lãi suất tiền gửi vẫn tiếp diễn trong tháng 12. Mức giảm của lãi suất tiền gửi trong tháng 12 đặc biệt mạnh ở khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Trong tháng 12/2023, Vietcombank đã có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm 0,2 điểm % đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và 0,7 điểm % đối với lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng.

Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng giảm chỉ còn 1,9%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng còn 2,2%/năm và kỳ hạn 6-11 tháng còn 3,2%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng ở mức 4,8%/năm.

Tương tự, các ngân hàng quốc doanh khác cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất khá mạnh trong tháng 12, mức giảm lãi suất bình quân trong tháng là 0,5 điểm % đối với kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,3 điểm % đối với các kỳ hạn dài.

Trong khi đó, mức giảm lãi suất bình quân ở khối ngân hàng tư nhân thấp hơn, bình quân khoảng 0,2 điểm %, tập trung ở kỳ hạn dưới 12 tháng.

Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay thấp hơn cả giai đoạn COVID-19 từ 0,3 - 0,75 điểm % đối với khối NHTM nhà nước. Tính chung cả năm 2023, lãi suất huy động đã giảm bình quân 2,5 - 3,0 điểm % so với đầu năm.

So với giai đoạn COVID-19, lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng đang thấp hơn khoảng 0,5 điểm %, nhưng lại tương đồng ở kỳ hạn 6-9 tháng.

 

Tăng trưởng cung tiền năm 2023 có hồi phục nhưng vẫn chậm

Hoạt động trên thị trường mở trở lại im ắng khi những đợt tín phiếu cuối cùng do NHNN phát hành đáo hạn trong tuần đầu tháng 12/2023 với quy mô khoảng 25.000 tỷ đồng.

Mặc dù số liệu tăng trưởng tín dụng càng ngày càng cải thiện, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn không có nhiều chuyển biến trong suốt giai đoạn tín dụng tăng tốc cho đến ngày 20/12. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng chỉ mới có dấu hiệu nhích tăng nhẹ lên 0,25%/năm vào ngày 22/12 và tiếp tục tăng lên 0,74%/năm trong ngày 25/12.

Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm tăng 0,6 điểm % so với cuối tháng 11, kỳ hạn 1-2 tuần tăng khoảng 1,24 – 1,4 điểm %. Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng lại giảm ở kỳ hạn 3 tháng, giảm 0,46 điểm % so với cuối tháng 11. Như vậy, biến động tăng của lãi suất liên ngân hàng phần nhiều mang tính ngắn hạn.

Nhìn lại cả năm 2023, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã có một nhịp giảm dài, từ mức trung bình khoảng 4,8%/năm trong quý I, giảm còn 3,6%/năm trong quý II, duy trì ở vùng thấp kỷ lục gần như xuyên suốt quý III và IV (trừ giai đoạn NHNN hút ròng để ứng phó với áp lực tỷ giá). Thanh khoản dư thừa thể hiện qua diễn biến của lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến thời điểm 21/12/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 10,03% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,85%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85% (cùng thời điểm năm trước tăng 5,99%).

Còn theo số liệu của NHNN, tăng trưởng cung tiền trong 9 tháng đầu năm đạt 8,6% so với cùng kỳ, cao hơn năm 2022 tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức bình quân của giai đoạn trước đó.

"Tăng trưởng cung tiền cả năm 2023 ước đạt khoảng 10%, thấp hơn mức tăng trưởng của tiền gửi và tăng trưởng tín dụng", VDSC ước tính.