Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có xu hướng phục hồi tích cực hơn trong thời gian gần đây sau những chính sách làm trong sạch, lành mạnh thị trường của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các giao dịch trái phiếu gần đây vẫn cho thấy thị trường còn thiếu nhận thức đầy đủ về rủi ro và cơ cấu nhà đầu tư chưa đủ đa dạng để duy trì hoạt động trái phiếu doanh nghiệp qua giai đoạn biến động.
Theo Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), hầu hết các trái phiếu được phát hành và giao dịch trên thị trường thứ cấp đều là các trái phiếu phát hành riêng lẻ, hoặc do các doanh nghiệp mới thành lập và không có hoạt động kinh doanh cốt lõi phát hành. Do đó, có rất ít thông tin công khai để nhà đầu tư có thể theo dõi và phân tích rủi ro.
Thống kê cho thấy, có gần 50% các trường hợp chậm trả trái phiếu trong giai đoạn 2022 – 2023 đến từ các doanh nghiệp mới thành lập, tình hình tài chính yếu, nhưng vẫn phát hành được với mức lãi suất hấp dẫn trong giai đoạn trước. Đáng chú ý, hiện nhiều trái phiếu từ nhóm các doanh nghiệp này vẫn đang được giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức lợi suất không chênh lệch nhiều so với các trái phiếu của các công ty có tình hình tài chính lành mạnh hơn.
Các chuyên gia của VIS Rating cho rằng, so với các thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hơn trong khu vực, Việt Nam thiếu sự hiện diện các nhà đầu tư tổ chức có thời gian đầu tư nắm giữ dài hạn và khả năng chịu đựng rủi ro cao để vượt qua các biến động ngắn hạn.
Trong dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi, dự kiến có thể được ban hành vào quý IV/2024, cơ quan quản lý có dự định đưa ra các biện pháp bảo vệ bổ sung nhằm giảm bớt trường hợp các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro quá mức. Chẳng hạn như giới hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức. Do đó, sự tham gia tích cực hơn của nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường này.
Theo dữ kiện từ Bộ Tài chính và thống kê từ báo cáo tài chính bán niên, các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ đầu tư chỉ nắm giữ 8% tổng số trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 6/2024.
Nhà đầu tư tổ chức lớn nhất của Việt Nam là quỹ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với quy mô tài sản quản lý đạt 1,2 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2023, nhưng tổ chức này vẫn chưa bắt đầu đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Không giống như các nhà đầu tư cá nhân, những người thường tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn, các nhà đầu tư tổ chức thường phải cân nhắc rủi ro đầu tư kỹ hơn, có thể đầu tư dài hạn và có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn đối với các biến động ngắn hạn.
Việc thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được nhiều định chế tài chính chỉ ra. Trong báo cáo chuyên đề Vươn tới tầm cao trên thị trường vốn, công bố tháng 8/2024, các chuyên gia của World Bank (WB) nhận định, do sự thiếu vắng tỷ trọng lớn của các nhà đầu tư tổ chức trên các thị trường trái phiếu phi Chính phủ, nên các nhà đầu tư cá nhân trở nên chi phối, gây nhiều biến động do hành vi bầy đàn. Điều này cũng góp phần làm tích tụ rủi ro cho trái phiếu doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của thị trường cổ phiếu trong việc thực hiện vai trò huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.
Theo WB, vấn đề căn bản của Việt Nam là cơ sở nhà đầu tư tổ chức chưa được phát triển, bao gồm chưa khai thác đầy đủ các quỹ Bảo hiểm xã hội để trở thành lực lượng chi phối có tiềm năng thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn.
Với việc quản lý một danh mục tương đương 10% GDP, Bảo hiểm Xã hội là một nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam, lớn hơn toàn bộ các nhà đầu tư tổ chức trong nước khác cộng lại. Tuy nhiên, do hạn chế về pháp lý, tài sản của Bảo hiểm xã hội đang tập trung chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi.
Do đó, đa dạng hóa đầu tư của Bảo hiểm xã hội là cách để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống tài chính của Việt Nam từ nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là đem lại sự ổn định tương đối cho thị trường với tư cách là nhà đầu tư dài hạn.
Cùng với Bảo hiểm xã hội, các nhà đầu tư tổ chức khác như các công ty bảo hiểm nhân thọ, các quỹ hưu trí tư nhân… cũng cần được khuyến khích tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Ngoài ra, WB cũng khuyến nghị, để lọt vào mắt các nhà đầu tư tổ chức, trái phiếu doanh nghiệp cần một cuộc cải tổ, nhất là về minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư. Đây là điều cần thiết để tái cân đối từ nhà đầu tư cá nhân sang nhà đầu tư tổ chức.
“Tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp nên được hoàn thiện để phản ánh tốt hơn nhà đầu tư có khả năng đánh giá rủi ro, đồng thời các quy trình chào bán trái phiếu đại chúng cần được hoàn thiện. Hơn nữa, yêu cầu đánh giá định mức tín nhiệm cần được áp dụng rộng rãi hơn, nhất là với các công cụ chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân”, WB khuyến nghị.