Thị trường Trung Quốc và Châu Âu hồi phục, Vĩnh Hoàn thu về hơn 2.600 tỷ đồng quý III
Theo đó, doanh thu tháng 8 đạt 892 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này chủ yếu đến từ mảng cá tra giảm 33% xuống 526 tỷ và mảng sản phẩm phụ giảm 43% về 151 tỷ.
Xét về thị trường, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu giảm sút ở các nước như Mỹ (giảm 45%), châu Âu (giảm 14%), Trung Quốc (giảm 5%), thị trường nội địa (giảm 24%) và các thị trường khác giảm 30%.
Đối với tháng 9, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 877 tỷ, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng cá tra mang về 522 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Doanh thu các sản phẩm phụ giảm 21% về 163 tỷ. Trong khi đó, những mảng còn lại như bún, bánh phồng tôm, sản phẩm giá trị gia tăng hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe đều tăng trưởng một đến hai chữ số.
Xét theo khu vực xuất khẩu, Trung Quốc và châu Âu đã có sự cải thiện doanh thu trong tháng 9, tăng lần lượt 43% và 77% so với cùng kỳ. Trong khi thị trường Mỹ và Việt Nam vẫn suy giảm ở mức 18% và 25%.
Như vậy tính riêng quý III, doanh thu của Vĩnh Hoàn ước tính đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 7.555 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ và mới thực hiện được 66% kế hoạch cả năm.
Về việc chậm công bố BCTC quý III, mới đây, công ty đã có công văn giử Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) về việc xin gia hạn nộp và công bố thông tin báo cáo tài chính quý III/2023.
Nguyên nhân là do Vĩnh Hoàn và các công ty con phải tiếp đoàn kiểm tra của Bộ thương mại Hoa Kỳ trong thời gian từ ngày 19/10 đến hết ngày 27/10 cho kỳ kiểm tra hành chính lần thứ 19 đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Điều này dẫn đền công ty không kịp lập báo cáo và xin gia hạn nộp chậm nhất vào ngày 15/11.
Tuy nhiên, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết những lý do mà Vĩnh Hoàn nêu ra không thuộc trường hợp được tạm hoãn công bố thông tin vì lý do bất khả kháng và đề nghị Vĩnh Hoàn thực hiện công bố thông tin theo đúng quy định.
Trên thị trường, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 10 của Việt Nam ước đạt trên 863 triệu USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến hết tháng 10 năm nay, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 10 đạt 189 triệu USD, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, tới hết tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Vasep, xuất khẩu cá tra đang có tín hiệu khả quan hơn, sau những thông tin tích cực về thị trườngMỹ. Sau chương trình thanh tra của FSIS, cá tra Việt Nam được đánh giá tốt về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sangMỹ trong giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/7/2022 có mức thuế thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước. Dù chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ.