Vĩnh Hoàn (VHC): Lợi nhuận 6 tháng giảm một nửa, dành gần 51 tỷ đồng dự phòng đầu tư chứng khoán

Lạc Lạc 14:28 | 29/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu thuỷ sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, kết quả kinh doanh giảm sút của CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC) trong quý II/2023 đã phần nào phản ánh tình hình khó khăn chung của toàn ngành những tháng đầu năm,

Lợi nhuận 6 tháng giảm 50%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 2.724 tỷ đồng, giảm 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn giảm còn 2.161 tỷ đồng. Lãi gộp giảm gần một nửa xuống còn 562 tỷ. Biên lãi gộp giảm còn 21% từ 26% quý II/2022.

Doanh thu hoạt động và chi phí tài chính giảm lần lượt 7% và 55% so với cùng kỳ năm 2022, xuống 99 tỷ đồng và 49,4 tỷ đồng. Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm lần lượt 67% và 3%.

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 430 tỷ đồng, giảm 46% so với mức 801 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn mang về 4.945 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34% so với mức 7.494 tỷ đồng tại cùng kỳ năm trước. Doanh thu hầu hết các mảng của “nữ hoàng cá tra” đều giảm (ngoại trừ mảng cung cấp dịch vụ tăng nhẹ gần 3 tỷ), trong đó bán thành phẩm giảm mạnh nhất với 39%, từ 5.455 tỷ đồng xuống còn 3.341 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt 655 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu công ty đạt 631 tỷ đồng. Năm 2023, Vĩnh Hoàn đặt mục tiêu đạt 11.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của chủ sở hữu công ty. Với kết quả 2 quý đầu năm 2023, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành 43% kế hoạch về doanh thu và 63% mục tiêu về lợi nhuận.

 Kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn tính đến nửa đầu năm 2023. Ảnh: Trang Mai tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp

Trên website, Vĩnh Hoàn cho biết: Bất chấp việc nới lỏng các rào cản thương mại tại thị trường Trung Quốc sau Covid 19, nhu cầu thị trường phục hồi đã không được như dự đoán. Trung Quốc chủ yếu đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản và tôm nguyên liệu giá cả phải chăng từ Ecuador và Ấn Độ để hỗ trợ các ngành chế biến xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước vẫn chưa có tín hiệu phục hồi mạnh. Tác động kéo dài của đợt bùng phát Covid 19 đã khiến nhiều cá nhân bị giảm hoặc mất thu nhập, khiến họ tiếp tục thận trọng trong thói quen chi tiêu, ngay cả khi mua các sản phẩm giá rẻ.

Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho rằng “nhu cầu vẫn ổn định tại một số thị trường chọn lọc”. Cụ thể, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đã cho thấy nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam.

Ngoài ra, Singapore cũng đã chứng kiến ​​mức tăng đáng kể 19% trong xuất khẩu cá tra. Trong khi Đức có mức tăng ấn tượng 66% về nhập khẩu trong nửa đầu năm, chiếm 2,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường khác trên thế giới.

Trong ngắn hạn, nhu cầu đối với hải sản giá cao đã giảm và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, một số thị trường tiếp tục cho thấy triển vọng đối với các mặt hàng có chi phí thấp hơn như cá khô, cá đóng hộp, nước mắm, cá tra và chả cá. 

Chi hơn 50 tỷ dự phòng cho đầu tư chứng khoán

Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản của Vĩnh Hoàn ghi nhận tăng 5% so với đầu năm, lên 12.170 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn 1.891 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng có khoản đầu tư chứng khoán 174 tỷ đồng với 3 mã NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh và KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc. Số tiền dự phòng cho 3 mã này gần 51 tỷ đồng. 

Hàng tồn kho tăng 39% lên 3.927 tỷ đồng, chiếm phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và thành phẩm tồn. Các tài sản khác biến động không đáng kể. 

Bên kia bảng cân đối, Vĩnh Hoàn có 3.853 tỷ đồng nợ phải trả giảm nhẹ 30 tỷ so với đầu năm. Chiếm lớn nhất là nợ vay với 2.810 tỷ đồng. Vốn chủ ghi nhận 8.317 tỷ, gồm 1.834 tỷ vốn góp chủ sở hữu và hơn 6.000 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối,...