Thiếu doanh nghiệp đầu tàu trong công nghiệp hỗ trợ
Trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỉ trọng cao gần 90% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác. Sản phẩm công nghiệp Việt Nam phần lớn là những sản phẩm cuối cùng như điện tử, dệt may và da giày, phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu, phụ tùng và vật liệu nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện tại trên toàn quốc trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Việc phần lớn linh kiện và phụ tùng có giá trị gia tăng cao phải nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế. Dù cơ chế chính sách đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển công nghệ hỗ trợ. Các chính sách chủ yếu liên quan đến ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần sự hỗ trợ của Nhà nước hơn là các ưu đãi, do không đủ năng lực sản xuất để hưởng các ưu đãi mà Nhà nước đưa ra.
Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tuy đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp.
Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu vô cùng quan trọng, để tạo ra thị trường, tạo ra cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp đầu tàu không tha thiết phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, họ sẽ tìm những nhà cung ứng quốc tế giá rẻ hơn, trong khi chúng ta đi sau, thiếu năng lực, sẽ vô cùng khó khăn.
Còn khâu đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp chưa được chú trọng. Đây là vấn đề của không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Phần lớn doanh nghiệp để khâu nghiên cứu và phát triển (R&D) ở nước ngoài, tại Việt Nam đầu tư rất ít, trong khi đó doanh nghiệp trong nước còn yếu, muốn làm cũng chưa được. Về thị trường, đa số doanh nghiệp chỉ mới nhìn vào thị trường công nghiệp hỗ trợ trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu. Trong lúc chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, thị trường toàn cầu mới là đích đến cần hướng tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Chia sẻ thực tế tại hội nghị, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch tập đoàn ô tô Thaco Trường Hải cho rằng, công nghiệp ô tô là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, thiết bị tự động hoá… Và khi những ngành công nghiệp phụ trợ này phát triển sẽ tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế đất nước, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động.