Thịt lợn hữu cơ sẽ nhân rộng và là giải pháp an toàn thực phẩm trong tương lai?

19:50 | 15/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việc chăn nuôi hữu cơ là hướng đi hiệu quả giúp đàn lợn vượt qua dịch bệnh, mà đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi, giá trị thịt lợn hữu cơ cao từ 1,5 - 1,8 lần so với chăn nuôi thông thường.
Chăn nuôi lợn hữu cơ khép kín áp dụng công nghệ vi sinh đang là một hướng đi mới ở nhiều trang trại trên cả nước. Con giống sạch bệnh, chăn nuôi đúng quy trình và theo chuỗi quản lý từ trang trại cho đến thị trường. Cách làm này vừa giúp nông dân tiết kiệm được công sức vừa mang lại thu nhập cao. Quan trọng hơn, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học này đang chứng minh được khả năng phòng chống dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường.

Thịt lợn hữu cơ là khi lợn được ăn những nguyên liệu thức ăn cũng đều là những sản phẩm hữu cơ, bao gồm cám gạo, ngô, đậu tương…, chứ không phải là những chế phẩm công nghiệp. Thức ăn của lợn cũng không hề chứa hóc môn tăng trưởng, các chất tạo nạc hay thực phẩm biến đổi gien, giúp lợn khỏe mạnh, tăng trưởng tốt và sạch bệnh, không cần dùng đến thuốc kháng sinh. Thịt lợn hữu cơ đảm bảo 100% chất lượng an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.

Hàm lượng protein trong thịt cũng cao hơn nên thịt rất thơm ngon. Trong khi đó, lượng Enzym cao cũng gia tăng sức đề kháng cho lợn, giúp thịt bảo quản được lâu hơn khi cấp đông (trong khoảng 5 tháng tính từ ngày sản xuất). Ngoài ra, thịt lợn hữu cơ có tỷ lệ nước tự do thấp nên thịt chắc, nhiều hơn sau khi chế biến so với thịt lợn thông thường.

Cụ thể, theo phản ánh của VTV tại một trang trại thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đã cho thấy mô hình chăn nuôi này thực sự đem lại hiệu quả bất ngờ.

Những con lợn tại trang trại này từ khi thả vào chuồng đến lúc xuất bán không phải tắm một lần nào thế nhưng chuồng trại lại không có mùi hôi và rất khô ráo.
 
Thịt lợn hữu cơ sẽ nhân rộng và là giải pháp an toàn thực phẩm trong tương lai? - ảnh 1
Lợn hữu cơ vẫn an toàn dù những đàn xung quanh đã nhiễm dịch tả Châu Phi (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
 
Công thức nền chuồng được làm từ đất, cát, một số phụ gia từ thiên nhiên cộng với chế phẩm vi sinh vật. Nền vừa là nơi vi sinh vật phát triển vừa là nơi thấm, phân hủy hết các chất thải của lợn gà. Vi sinh vật sẽ tiêu diệt hết những vi sinh gây hôi thối có trong chất thải. Hàng ngày, lớp đất đủ sức thấm và phân hủy hàng chục lít nước thải, phân của con giống.

Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó giám đốc Kỹ thuật, Công ty Biotech, Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ với VTV: "Trong chăn nuôi lợn theo quy trình của Quế Lâm, chúng tôi tiết kiệm tới 80% nước, nên lợi ích đầu tiên là tiết kiệm nước. Thứ 2, khi không sử dụng nguồn nước tắm và nước rửa chuồng thì chúng tôi không đẩy nguồn nước thải đó ra sông suối, ao hồ hay cánh đồng,... nên sẽ hạn chế được việc lây lan dịch bệnh".

Nhờ quy trình chăn nuôi lợn được khép kín đã giúp kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Thức ăn chăn nuôi, nước uống, hệ thống phun sương và cả đệm lót chuồng đều được trộn men vi sinh nhằm xử lý môi trường triệt để. Công nghệ vi sinh giúp đàn lợn mau lớn và đặc biệt là tăng sức đề kháng để chống chịu dịch bệnh. Đồng thời, vì được sống trong môi trường sạch sẽ, như trong tự nhiên nên lợn rất khỏe, không giống như các giống lợn nằm ì trên nền xi măng khác.

Trên thực tế, những đàn lợn được nuôi hữu cơ theo công nghệ vi sinh này đã vượt qua dịch tả lợn Châu Phi trong suốt hơn 1 năm qua.

Đặc biệt, những kết quả chăn nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh đã được nhiều đối tượng, nhiều tỉnh thành đón nhận vì chất lượng thịt thơm ngon, hiệu quả chăn nuôi cao, không dịch bệnh trong chăn nuôi, người tiêu dùng yên tâm sử dụng do quy trình chuỗi chăn nuôi đạt 5 không vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vừa an toàn sinh học.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm: "Giải pháp quan trọng nhất trong khi chưa có vắc-xin, chưa có thuốc chữa là phải đảm bảo yêu cầu sinh học. Trong quá trình chống dịch, Bộ đã tổ chức tổng kết vấn đề an toàn sinh học đối với từng loại hình chăn nuôi thì đến bây giờ chăn nuôi của các trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ và quy mô lớn cũng như các doanh nghiệp đã được áp dụng một cách rất nghiêm ngặt. Đưa lại tốc độ tăng đàn tái đàn của 16 doanh nghiệp lên mức bình quân trên 13%/tháng".
 
Thịt lợn hữu cơ sẽ nhân rộng và là giải pháp an toàn thực phẩm trong tương lai? - ảnh 2
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT thị sát các mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn. (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2030 cả nước sẽ có đàn lợn hữu cơ 600.000 - 800.000 con. Việc chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi hiệu quả giúp đàn lợn vượt qua dịch bệnh và tăng giá trị từ 1,5 - 1,8 lần so với chăn nuôi thông thường.
 
Hải Yến