Thông điệp của thị trường chứng khoán Mỹ tới Fed: Lãi suất vẫn chưa đủ cao

Giang 16:08 | 15/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cổ phiếu tăng giá, lợi suất trái phiếu xuống thấp và thị trường nhà ở phục hồi cho thấy lãi suất của Fed vẫn chưa đủ để kìm hãm nền kinh tế và khống chế lạm phát.

Người đi bộ ngang qua tòa nhà của Sàn giao dịch chứng khoán New York. (Ảnh: Getty Images).

Fed chưa xong việc

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 6. Tuy nhiên, thị trường lại đang nói rằng Fed đã mắc sai lầm.

Sứ mệnh của Fed là nâng lãi suất lên đủ cao để kéo lạm phát xuống mục tiêu 2%, dù các nhà hoạch định chính sách có phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái và khiến nhiều người mất việc.

Nếu Fed đã thành công, có lẽ chúng ta đã không thể chứng kiến những điều này: thị trường chứng khoán Mỹ bước vào thị trường giá lên mới, thị trường bất động sản phục hồi, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ dài hạn thấp hơn hẳn tỷ lệ lạm phát.

Nói cách khác, lý do cho việc Fed tạm ngừng tăng lãi suất khá đáng ngờ, theo Wall Street Journal (WSJ). Lãi suất danh nghĩa đã tăng 5 điểm % kể từ đầu năm 2022, tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 1980.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ lại chưa đủ chặt chẽ, và đó là nguyên nhân nền kinh tế và lạm phát vẫn mạnh mẽ hơn dự kiến của các nhà hoạch định chính sách. Nhìn chung, Fed vẫn chưa xong việc.

 

 

Chính sách tiền tệ có vẻ đã thắt chặt bởi lãi suất quỹ liên bang danh nghĩa đã tăng từ mức gần 0 lên khoảng 5,25%. Nhưng đối với nền kinh tế, lãi suất thực (lãi suất sau khi điều chỉnh cho lạm phát) mới là điều quan trọng, và lãi suất thực của Mỹ đang ở mức khá thấp bởi lạm phát hiện nay cao hơn các chu kỳ trước đó.

Ước tính về lãi suất thực phụ thuộc vào tỷ lệ lạm phát được sử dụng. Dựa trên tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI) tháng 5 là 5,3% thì lãi suất thực hiện nay gần bằng 0. Còn nếu sử dụng lợi suất trái phiếu chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS), thì lãi suất thực vào khoảng 1,4%, theo ước tính của nhà phân tích Benson Durham thuộc ngân hàng đầu tư Piper Sandler.

Ông Durham tính ra rằng lãi suất thực trong chu kỳ hiện tại của Fed tăng chậm hơn so với năm 1994 và 2004, dù nhanh hơn năm 1999 và 2016. “Không có gì đặc biệt”, ông nhận xét.

Fed cho rằng lãi suất thực ở mức 0,5% là lãi suất trung tính, tức là không kìm hãm hay kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất thực 1,4% cũng không phải vật cản lớn với nền kinh tế. Mức lãi suất thực trước mỗi cuộc suy thoái kể từ năm 1960 đều cao hơn 1,4%.

Trái ngược

Thường thì khi Fed tăng lãi suất, giá chứng khoán sẽ lao dốc, còn lợi suất trái phiếu dài hạn và giá USD thì đi lên. Chính sự thắt chặt của các điều kiện tài chính tổng quát là điều giảm tốc nền kinh tế, chứ không phải chỉ riêng lãi suất. Và đây chính là điều đã xảy ra trong 6 tháng đầu chiến dịch thắt chặt chính sách của Fed.

Nhưng kể từ tháng 10/2022, tình hình bắt đầu đảo chiều. Chỉ số S&P 500 đã tăng 22% kể từ đáy mùa thu năm ngoái. Đằng sau cuộc phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ là niềm tin rằng lạm phát sẽ sớm giảm mạnh khi giá cả quay trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng sẽ chậm lại để phản ứng với các đợt tăng lãi suất và việc các ngân hàng giảm cho vay vì tiền gửi bị rút sang các quỹ thị trường tiền tệ và nhà đầu tư thì mất hết lòng tin. Đến lúc đó, Fed sẽ cắt giảm lãi suất.

TIN LIÊN QUAN Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 5, tạo cơ hội để Fed tạm ngừng tăng lãi suất 13/06/2023 - 20:31

Lối suy nghĩ trên không hẳn là mơ mộng viển vông Nhiều quan chức Fed ủng hộ việc tạm dừng tăng lãi suất vì chính sách tiền tệ hoạt động với độ trễ. Nếu nhìn kỹ, bạn có thể sẽ thấy một số dấu hiệu của các tác động trễ đó.

Lạm phát sau khi loại trừ các yếu tố bất thường bắt nguồn từ đại dịch đã hạ nhiệt trong tháng 5. Các ngân hàng đang thắt chặt việc cho vay. GDP thực tháng 3 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn chút ít so với tốc độ dài hạn theo ước tính của Fed. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đi từ 3,4% lên 3,7% vào tháng 5.

Nhưng thay vì tiếp tục giảm tốc thì nền kinh tế lại có vẻ đang vững tiến về phía trước. Theo một số ước tính, tăng trưởng GDP quý II của Mỹ sẽ vào khoảng 2% (tốc độ chuẩn hoá theo năm).

Thị trường nhà đất, thường là kênh chính để chiến dịch thắt chặt của Fed tác động đến tăng trưởng, suy sụp vào năm ngoái nhưng nay lại đang trên đà phục hồi. Kết quả là số lượng việc làm trong ngành xây dựng bùng nổ, giá cổ phiếu của các công ty trong ngành cũng bật tăng.

Các điều kiện tài chính vẫn còn lỏng lẻo. Ông Joseph Wang, nhà phân tích độc lập từng làm việc cho Fed, lưu ý rằng của cải của các hộ gia đình – yếu tố có tác động lớn tới chi tiêu – đã giảm vào năm ngoái nhưng lại tăng 3.000 tỷ USD trong quý I. Và sau đó thị trường chứng khoán Mỹ cũng phục hồi mạnh mẽ.

Những điều trên chỉ ra rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất trở lại sau một đợt nghỉ để thực sự thắt chặt chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư càng đặt cược vào kịch bản hạ cánh mềm thì nguy cơ nền kinh tế hạ cánh cứng càng cao.