Thống nhất phương án để đẩy nhanh tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có ông Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh.
Về phía EVNNTP có ông Nguyễn Tuấn Tùng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV EVNNPT, ông Phạm Lê Phú – Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc EVNNPT, ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó Tổng giám đốc EVNNPT, ông Vũ Trần Nguyễn – Phó Tổng giám đốc EVNNPT kiêm Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB), ông Bùi Công Cường – Phó Giám đốc CPMB, ông Nguyễn Văn Tình – Phó Giám đốc CPMB, đại diện các Ban chuyên môn của EVNNPT, các phòng chức năng của CPMB.
Khối lượng công việc lớn
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao EVNNPT làm chủ đầu tư, dự án Đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh. Đây là các Dự án nằm trong danh mục các công trình trọng điểm, có tính chất đặc biệt quan trọng, nhằm đảm bảo cung ứng điện cho các tỉnh miền Bắc, trong đó có tỉnh Nghệ An.
Trong đó Dự án đường dây 500kV Quảng Trạch – Quỳnh Lưu có quy mô xây dựng mới đường dây 500kV gồm 2 mạch, dài khoảng 225,5km, qua địa bàn 3 tỉnh là Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Trong đó, tuyến đường dây đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 82,33 km, gồm có 167 vị trí móng cột.
Chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1507/QĐ-TTg ngày 01/12/2023. Hiện nay Dự án có trong Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng diện tích 47,04ha nhưng chưa được phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 tại 5 huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu.
Công tác đo đạc giải thửa phần móng đã được các hộ gia đình/cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng ký xác nhận 162/167 vị trí, đơn vị tư vấn đang tiếp tục hoàn thiện ký xác nhận địa phương, trình Sở TN&MT tỉnh thẩm định. Phần hành lang, đơn vị tư vấn đang tập trung triển khai hoàn thiện hồ sơ trình Sở TN&MT thẩm định. UBND 5/5 huyện đã ban hành quyết định thành lập Hội đồng bồi thường thực hiện dự án, đã bàn giao mốc 75/167 vị trí, đã kiểm đếm 20/167 vị trí.
Đối với Dự án đường dây 500kV Quỳnh Lưu – Thanh Hóa có quy mô xây dựng mới đường dây 500kV gồm 2 mạch, dài khoảng 92km, qua địa bàn 2 tỉnh là Nghệ An và Thanh Hóa. Trong đó tuyến đi trên địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 17,5km, gồm có 34 vị trí móng cột.
Chủ trương đầu tư của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 01/12/2023.
Dự án có trong Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng diện tích 25,02ha. Tuy nhiên Dự án chưa được phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 tại huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Công tác đo đạc giải thửa phần móng: Hồ sơ đã được các hộ gia đình/cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng ký xác nhận, đơn vị tư vấn đang tiếp tục hoàn thiện ký xác nhận địa phương, trình Sở TN&MT tỉnh thẩm định. Phần hành lang đang tập trung triển khai hoàn thiện hồ sơ trình Sở TN&MT thẩm định. UBND 2/2 huyện/thị xã đã ban hành quyết định thành lập HĐBT thực hiện dự án, đã bàn giao mốc 15/34 vị trí.
Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong tỉnh
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Tùng – Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho biết: Để bảo đảm tiến độ cấp bách hoàn thành đóng điện dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét chỉ đạo các sở ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ, phối hợp các công việc như sau:
Đối với rừng trồng, do tính cấp bách của dự án, đề nghị UBND tỉnh Nghệ An sớm trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trồng của dự án trong tháng 12/2023.
UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm xem xét hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc trong giai đoạn thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và tạo điều kiện thuận lợi về tiến độ trong công tác bàn giao mặt bằng thi công dự án. Sở TN&MT sớm báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở cho việc triển khai công tác thu hồi đất, BTGPMB.
Về công tác BTGPMB, EVNNPT kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở TN&MT phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích đất lúa (nếu có) làm cơ sở triển khai công tác BTGPMB. Tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư trong công tác BTGPMB, đáp ứng mục tiêu đưa dự án vào vận hành đúng tiến độ.
Thành lập tổ công tác đặc biệt để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án theo chỉ của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương. Chỉ đạo các địa phương giữ nguyên hướng tuyến đã được thỏa thuận theo văn bản của UBND tỉnh nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án.
Đối với UBND các huyện, thị xã: Chủ trì, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác bồi thường - GPMB và các công việc khác nhằm đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành mục tiêu đóng điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó phấn đấu phần móng trụ bắt đầu từ ngày 25/12/2023 và hoàn thành bàn giao 30/01/2024; Phần hành lang tuyến bắt đầu từ ngày 15/01/2024 và kết thúc 31/3/2024.
Đối với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Nghệ An, EVNNPT đề nghị chủ trì, hỗ trợ tối đa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trong công tác đo đạc và các chính sách liên quan đến công tác BTGPMB … nhằm đảm bảo tiến độ thi công Dự án.
Tỉnh Nghệ An sẽ vào cuộc quyết liệt vì mục tiêu chung của dự án
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Nghệ An phân tích những điều kiện thuận lợi, khó khăn và cùng đề xuất những giải pháp để thống nhất phương pháp làm việc, cách thức phối hợp với EVNNPT và khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa, đảm bảo tiến độ dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh Nghệ An nhận thức rõ đây là dự án trọng điểm cấp bách nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án. Việc triển khai dự án là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, vì vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với chủ đầu tư dự án tập trung thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban Chỉ đạo về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án đường dây 500kV do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh làm Trưởng ban để tháo gỡ các khó khăn của dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo kịp thời tham mưu, báo cáo UBND tỉnh xem xét những vấn đề vượt thẩm quyền. Trên cơ sở đề xuất của UBND cấp huyện, kịp thời tham mưu để trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung các nội dung liên quan đến sử dụng đất của các dự án vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của cấp huyện theo quy định, hoàn thành trước ngày 25/12/2023. Chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương trong việc cấp trích lục, trích đo để đảm bảo điều kiện đưa vào kế hoạch sử dụng đất đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường ưu tiên việc tiếp nhận, kiểm tra, phê duyệt kết quả đo đạc phục vụ thu hồi đất, bồi thường mặt bằng để phục vụ dự án. Hướng dẫn các địa phương trong việc bố trí đất tái định cư từ nguồn đất đấu giá.
Sở NN&PTNT phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phần thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh để thực hiện dự án theo quy định. Đồng thời phối hợp với chủ đầu tư dự án để báo cáo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ xem xét, hướng dẫn về sử dụng tạm đất rừng để thực hiện dự án. Trong quá trình triển khai nếu có vấn đề liên quan đến sai lệch so với diện tích đo vẽ trước đây thì kịp thời báo cáo để có điều chỉnh.
Sở Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với các dự án; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị cập nhật tình hình triển khai dự án, báo cáo UBND tỉnh giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Đối với UBND các huyện, tập trung triển khai kịp thời công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo tiến độ. Tổng hợp nhu cầu sử dụng đất trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, bổ sung Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của cấp huyện, hoàn thành trước ngày 20/12/2023. Chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và các chủ sử dụng đất có tài sản bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng theo đúng quy định; chậm nhất là bàn giao trước ngày 30/1/2024 đối với phần móng trụ và đường thi công, hành lang tuyến trước ngày 31/3/2024. Các địa phương phối hợp với chủ đầu tư tăng cường quản lý các khu đất trong phạm vi dự án.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân hiểu được tầm quan trọng, cấp bách của dự án, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư dự án chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là cung cấp các số liệu về trích đo; phối hợp trong việc báo cáo thực hiện khung chính sách bồi thường trên toàn tuyến; chỉ đạo đơn vị tư vấn nắn tuyến ở một vị trí để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người dân. Chủ đầu tư phối hợp với các địa phương trong quá trình vận động người dân bị ảnh hưởng nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng theo tiến độ đề ra.