Thông qua nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch
Sau hơn tám tháng thực hiện, một số bộ, ngành, địa phương có cách hiểu khác nhau về một số điều, khoản của Luật Quy hoạch.
Về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch, khi triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030, một số bộ, ngành và địa phương cho rằng, việc lập quy hoạch phải theo thứ bậc từ trên xuống dưới như quy định tại Điều 5 Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, một số bộ, ngành và địa phương lại cho rằng các quy hoạch phải được lập đồng thời mới đảm bảo tiến độ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: "Do còn có cách hiểu khác nhau như trên nên đã dẫn đến việc chậm triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030. Để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết để giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch."
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đối với những khó khăn, vướng mắc hiện nay, để có thể giải quyết một cách triệt để và phù hợp với quy định pháp luật, Chính phủ cần phải báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết đặc thù cho phép điều chỉnh các quy hoạch được tích hợp của một số ngành, lĩnh vực cụ thể trong khoảng thời gian từ nay đến hết năm 2020 và phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống quy hoạch, cũng như khắc phục được những bất cập của công tác quy hoạch trước khi Luật Quy hoạch được ban hành.
Trong đó, Chính phủ cần báo cáo đầy đủ về các dự án cấp bách (danh mục quy hoạch cần điều chỉnh, danh mục dự án cấp bách, lý do điều chỉnh...) để có cơ sở xem xét, quyết định. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng danh mục các dự án, quy hoạch thực sự cần thiết, cấp bách, tránh tình trạng nhiều dự án, quy hoạch được liệt kê chưa thuyết phục.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, Luật Quy hoạch là bước tiến lớn trong việc thực hiện quy hoạch của quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, địa phương đã bộc lộ những vướng mắc.
Khi nhận thấy những hạn chế đó, Chính phủ đã từng bước tháo gỡ. Chính vì vậy, để giải thích từ ngữ trong Luật một cách cụ thể, thống nhất, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chỉnh sửa, giải thích rõ hơn về Luật Quy hoạch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Phải tập trung làm vì chuẩn bị vào thời kỳ quy hoạch mới, vừa phải xây dựng mới, vừa phải điều chỉnh nên khối lượng công việc rất lớn, từ quy hoạch biển, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành quốc gia, rồi các địa phương đều phải lập quy hoạch... Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ sẽ tiếp tục có hướng dẫn cụ thể, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện."
Tại phiên họp, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của Luật, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Một số ý kiến đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành quy trình và nguyên tắc xây dựng quy hoạch từng cấp. Khung lớn là khung quốc gia, khung tỉnh là khung chính, còn huyện là khung gắn với địa bàn an sinh xã hội của người dân, tránh sự chồng chéo, có sự thống nhất giữa cấp dưới cấp trên.
Kết luận phiên thảo luận, sau khi lấy ý kiến biểu quyết của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019.
Quá trình triển khai đã có những cách hiểu, vận dụng khác nhau nên khi triển khai làm quy hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương đã có những vướng mắc, chậm triển khai quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, sau khi thảo luận, xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết giải thích một số điều của Luật Quy hoạch./.