Thu hồi được gần 80.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng

14:40 | 25/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sáng 25-3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng

 
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt tỷ lệ 97,6% (so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng 624.551 vụ việc, đã giải quyết tăng 594.573 vụ việc). Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
 
Thu hồi được gần 80.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũngChánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình
 
“Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, với 14.540 bị cáo”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết.
 
Tòa án nhân dân Tối cao cũng công bố 39 án lệ, từ đó trong nhiệm kỳ qua đã có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ trong xét xử; đồng thời đã công bố được hơn 600.000 bản án, quyết định trên internet...
 
Đối với ngành Kiểm sát, trong nhiệm kỳ qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, toàn ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 561.174 nguồn tin về tội phạm; qua kiểm sát đã ban hành hơn 220.000 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm. Viện Kiểm sát các cấp đã ra quyết định hủy hơn 700 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật và trực tiếp quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra gần 150 vụ án, tăng 7%...
 
Đối với công tác điều tra tội phạm xâm phạm trong hoạt động tư pháp và tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, số vụ án được cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 34,3% so với nhiệm kỳ trước. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn.
 
“Ngành Kiểm sát đã phối hợp với các cơ quan tố tụng tăng cường biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt. Kết quả, tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết.
 
Thu hồi được gần 80.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũngViện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí

Vẫn còn hủy - sửa án, án oan sai

 
Trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ.
 
“Nhìn chung kết quả công tác của Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu trong các Nghị quyết của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện; góp phần quan trọng giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nói.
 
Đối với Tòa án nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xét xử các vụ án hình sự vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số trường hợp áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo chưa chính xác...
 
Ngoài ra, việc xét xử một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội. “Một số vụ án, thẩm phán có sự e ngại, nể nang nhất định đối với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý thêm.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nêu, công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự vẫn còn một số trường hợp phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan. Một số vụ án kinh doanh thương mại, giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp thời gian giải quyết còn dài. Có trường hợp sau khi tuyên án, đương sự phản ứng bức xúc với kết quả xét xử.
 
Báo cáo thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố có liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát. “Việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự vẫn còn để xảy ra một số trường hợp bị truy tố oan; truy tố sai tội danh, sai khung hình phạt”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết.
 
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vẫn còn một số vụ việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự chưa được giải quyết dứt điểm và kéo dài qua nhiều năm. Mặc dù có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng các vụ việc này vẫn gây dư luận không tốt, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.

Theo Hà Nội mới