Thủ tướng: Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bình An 16:24 | 12/03/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây là kết luận quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện chủ trì phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo diễn ra sáng nay (12/3).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo.

Phiên họp đánh giá tình hình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ); kết quả triển khai kết luận tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo; bàn các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ta.

Tài chính toàn diện giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp tiếp cận được những nguồn lực và các dịch vụ tài chính cần thiết cho phát triển, góp phần nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, từ đó mang lại những lợi ích to lớn, tích cực cho xã hội và nền kinh tế, như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, ổn định tài chính, thúc đẩy phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thủ tướng nêu rõ trong thời gian tới, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó một trong những giải pháp quan trọng, then chốt là đẩy mạnh triển khai thực hiện tài chính toàn diện tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, phát triển nhanh nhưng phải bền vững là quan điểm xuyên suốt, tư tưởng cốt lõi của chúng ta, trong đó có bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và các ý kiến tại phiên họp cho thấy trong hơn 4 năm, nhất là từ sau cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo vào năm 2022, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan đã tích cực triển khai đồng bộ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược nhằm cải thiện, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã triển khai Chiến lược trong bối cảnh nền kinh tế có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch COVIVD-19 với hậu quả kéo dài, những biến động kinh tế và tài chính toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng... tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, chúng ta đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong thực hiện Chiến lược, nhất là bảo đảm tiếp cận bình đẳng về tài chính với mọi đối tượng, đặc biệt là những người yếu thế, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Khuôn khổ pháp lý không ngừng được các bộ, ngành rà soát sửa đổi, bổ sung, đề xuất ban hành mới, như Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử... tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện.

Mạng lưới các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính tiếp tục được phát triển đa dạng, bao phủ rộng khắp các địa bàn trên cả nước, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.

Hạ tầng tài chính được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, kết nối liên thông với các ngành, lĩnh vực khác phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp, tài khoản định danh và xác thực điện tử trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa của tài chính toàn diện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả để tiếp cận các đối tượng khác nhau; triển khai nhiều chương trình giáo dục tài chính cho các đối tượng khác nhau trong xã hội như người nghèo, người thu nhập thấp, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên; lồng ghép kiến thức tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông, qua đó góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cho người dân. Các chính sách và biện pháp tăng cường bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tiếp tục được rà soát bổ sung, hoàn thiện.

Trên cơ sở thực tiễn triển khai Chiến lược và kết quả trao đổi, thảo luận tại cuộc họp, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, đặc biệt là vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong triển khai thực hiện Chiến lược, với tinh thần "mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội", "không ai bị bỏ lại phía sau".

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung xử lý, giải quyết, một số việc cần làm tốt hơn.

Theo đó, cần tiếp tục phát triển hợp lý và tăng độ bao phủ dịch vụ tài chính cung ứng cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn, các đối tượng yếu thế.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải được nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện để vừa quản lý được, vừa thúc đẩy phát triển, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất.

Hạ tầng tài chính cần tiếp tục được hoàn thiện, kết nối liên thông giữa các cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra hệ sinh thái đồng bộ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại có nhiều ưu điểm nhưng cần tiếp tục được đa dạng hóa và thiết kế phù hợp hơn với các đối tượng người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh đặc biệt; tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin để khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ.

Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao kiến thức, hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính cho người dân, thúc đẩy hoạch định tài chính cá nhân cần tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh hơn nhằm giúp cho người dân thấy được sự tiện ích, an toàn và tự tin khi tham gia sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện mục tiêu

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, tổ chức thực hiện thật tốt để vừa quản lý chặt chẽ, vừa thúc đẩy phát triển, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả và công bằng.

Thứ hai, phát triển hạ tầng thông suốt, đồng bộ, đều khắp trên phạm vi cả nước, bao trùm các khu vực, đối tượng, nhất là hạ tầng cho khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hạ tầng phù hợp cho những người yếu thế, đặc biệt là hạ tầng số thông qua phủ sóng 5G, 6G, internet vệ tinh…

Thứ ba, đào tạo, phổ biến kiến thức, phát triển công dân số trên phạm vi cả nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng lộ trình, bước đi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

 

Để chuẩn bị sơ kết sau 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược đến năm 2025 và xây dựng, triển khai Chiến lược trong giai đoạn mới, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, cơ quan, địa phương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, trong tổ chức, các cấp, các ngành, các chủ thể liên quan phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm".

Thứ sáu, đa dạng hóa cách thức, phương pháp truyền thông phù hợp với các đối tượng, địa bàn khác nhau, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, trong nhân dân về thực hiện Chiến lược.

Thứ bảy, bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện.

Thứ tám, các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, phát huy tính bổ trợ giữa các chương trình, giữa các địa phương, các lĩnh vực.